
Ảnh minh họa
Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc, là sự hài hòa cho đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Song trước những biến động của cuộc sống xã hội hiện đại, việc xây dựng gia đình hạnh phúc không phải là điều dễ dàng. Hiện tượng ly hôn, gia đình tan vỡ đang có chiều hướng gia tăng, những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt đang dần xuống cấp. Có rất nhiều những bài báo, những cuộc hội thảo, tọa đàm đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể dẫn đến thực trạng đời sống gia đình hiện nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là văn hóa ứng xử trong gia đình chưa được coi trọng, thiếu sự quan tâm chia sẻ, công nghệ chiếm hữu, chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để xây dựng gia đình hạnh phúc cho mọi nhà, một bến đỗ bình yên cho mọi người, trước hết đòi hỏi các thành viên trong gia đình cần phải nỗ lực xây dựng, bên cạnh đó cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp nhằm huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân thì công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới mang lại kết quả như mong muốn.
Mỗi gia đình hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc, vì thế các cấp, các ngành, đoàn thể phải có những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 theo từng lĩnh vực ngành phụ trách. Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình trong tình hình mới, đặc biệt chú trọng đến truyền thông, giáo dục kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng ứng xử trong gia đình thông qua các hoạt động tại đơn vị, địa phương.

Ảnh minh họa
Các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình; vận động, hỗ trợ hội viên thực hiện trách nhiệm vun đắp, gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; nhân rộng mô hình câu lạc bộ, tổ tư vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối sống ứng xử trong gia đình nhằm giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có định hướng nghề nghiệp và tạo ra thu nhập ổn định.
Với mỗi gia đình, các thành viên nên sát cánh bên nhau vượt qua sóng gió và gắn kết bằng tình yêu thương và chia sẻ. Mỗi thành viên trong gia đình cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm gia đình; biết cách điều hòa mọi công việc, mối quan hệ để giữ gìn mái ấm của mình. Những ‘viên gạch” để xây nên ngôi nhà hạnh phúc chính là thái độ, hành động sống có trách nhiệm. Yếu tố cốt lõi để giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
“Tôn trọng”, các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; “Bình đẳng”, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó; “Yêu thương”, các thành viên trong gia đình có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau; “Chia sẻ”, trong cùng gia đình, các thành viên cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề, hãy đặt mình vào vị trí của người kia để thấu hiểu, chia sẻ, hóa giải vấn đề.
Gia đình hạnh phúc, sẻ chia thì các thành viên trong gia đình sẽ trở thành những công dân biết chia sẻ, yêu thương cộng đồng, xã hội ngày càng tốt hơn.