Năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI), quản trị hành chính công (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX) và đã ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao các chỉ số: PCI, PAR INDEX và PAPI của tỉnh Kiên Giang trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Qua đó, đã quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong thực thi nhiệm vụ được giao, có sự tham gia đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Hệ thống lại kết quả khảo sát, đánh giá trên các lĩnh vực liên quan hành chính công của tỉnh Kiên Giang trong năm 2019, báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy: Chỉ số PCI và PAR INDEX tăng điểm nhưng giảm hạng, Chỉ số PAPI giảm điểm nhưng tăng hạng, kèm theo đó là các phân tích và số liệu cụ thể.
Kết quả Chỉ số PCI 2019
PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của tỉnh Kiên Giang, qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương được duy trì, thuộc nhóm điều hành loại khá. Tuy nhiên, vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả điểm tổng hợp Chỉ số PCI năm 2019 của Kiên Giang đạt 64,99 điểm, tăng 1,57 điểm so với năm 2018 (63,42 điểm), đứng hạng 35/63 cả nước (giảm 4 bậc) và hạng 7 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (giữ nguyên thứ hạng) so với năm 2018.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI (có 128 chỉ tiêu), năm 2019, Kiên Giang có 06 chỉ số tăng điểm, tăng hạng; 01 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng; 03 chỉ số giảm điểm, giảm hạng.
Kết quả Chỉ số PAPI 2019
PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Qua tổng hợp, có 04 chỉ số nội dung tăng điểm so với năm 2018, trong đó chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm nhiều nhất (0,89 điểm) và chỉ số nội dung công khai minh bạch tăng điểm thấp nhất (0,13 điểm); 01 chỉ số nội dung đứng trong nhóm thứ hạng 16 của cả nước (quản trị môi trường, hạng 16/63).
Tuy nhiên, về tổng thể thì điểm số của tỉnh Kiên Giang so với điểm chuẩn chỉ đạt 53,11% (42,49/80), không tăng, vẫn ở nhóm trung bình thấp và có 04 chỉ số nội dung giảm điểm so với năm 2018: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.
Kết quả Chỉ số PAR INDEX 2019
PAR INDEX là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính. Dựa trên các tài liệu kiểm chứng được kèm theo báo cáo tự đánh giá, chấm điểm và việc điều tra xã hội học, kết quả tỉnh Kiên Giang đạt 50,91/66,5 điểm (tỉnh tự đánh giá, chấm điểm 57,91/65,5 điểm); điều tra xã hội học đạt 17,40/23,5 điểm. Tổng số điểm đạt được là 79,13/100 điểm, tăng 4,11 điểm; xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố, giảm 9 bậc so với năm 2019.
Kết quả Chỉ số SIPAS
Chỉ số hài lòng SIPAS có 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong năm 2919, gồm: Tiếp cận dịch vụ; giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); thái độ công chức giải quyết TTHC; kết quả giải quyết TTHC cho người dân; tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC.
Kết quả hài lòng của người dân, tổ chức tỉnh Kiên Giang năm 2019 đạt 7,82/10 điểm, mức độ hài lòng là 78,2%, xếp thứ hạng 57/63 tỉnh/thành trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo phân tích, đánh giá chung tại hội nghị, nhiều năm liên tục tỉnh Kiên Giang có Chỉ số PCI và PAR INDEX bị tụt hạng mặc dù tổng điểm có tăng; các Chỉ số PAPI và SIPAS thứ hạng vẫn còn thấp so với các tỉnh/thành trong cả nước. Lý giải cho điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho rằng trên thực tế, các sở ngành và địa phương của tỉnh đã có sự nỗ lực, nhưng việc cải thiện các chỉ số nêu trên vẫn không nhiều, tính ra nhiều tỉnh/thành đồng thời có điểm số tăng cao hơn tỉnh ta rất nhiều, hiệu quả cải thiện các chỉ số rất rõ nét.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan có thể khắc phục như về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như, có thể cải tiến, rút ngắn thời gian xét duyệt chủ trương đầu tư các dự án, giảm bớt những giấy phép con không thực sự cần thiết... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Do vậy, để cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI và SIPAS trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng chỉ đạo: Các sở ngành và địa phương phải thấy được các yếu kém của mình và có hướng khắc phục; tiếp tục rà soát các tiêu chí đạt thấp, từ đó có giải pháp, hành động cụ thể nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc và cải thiện điểm số ở các lĩnh vực một cách mạnh mẽ hơn nữa. Kết quả tự đánh giá xếp loại của tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính của các sở ngành và địa phương có sự chênh lệch rất xa so với đánh giá của Bộ Nội vụ, đánh giá xếp loại của tỉnh chưa thật sự thuyết phục, cần xem xét lại việc áp dụng các tiêu chí, hội đồng thẩm định để có đánh giá sự thật và khách quan hơn. Tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính công, thực hiện tốt Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI; PAR INDEX và PAPI năm 2019 tỉnh Kiên Giang và những năm tiếp theo.
Với nỗ lực chung, hướng tới, tỉnh Kiên Giang quyết tâm đạt được mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Trung Nghĩa