TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Lễ hội

Xem với cỡ chữAA

Nguyễn Trung Trực - Anh hùng dân tộc sống mãi trong lòng dân

(16:15 | 29/09/2021)

Hằng năm, cứ vào ngày 26 đến 28/8 âm lịch, Nhân dân khắp nơi cùng hội tụ về Đình thờ Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá để bày tỏ lòng tri ân, thành kính, tôn vinh đức tài, chiến công của vị anh hùng trung hiếu vẹn toàn, một biểu trưng sáng ngời về tinh thần yêu nước nồng nàn, bất khuất của cả dân tộc ta.

Đã từ lâu, Lễ giỗ của Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực trở thành Lễ hội truyền thống lịch sử - văn hóa không chỉ của người dân Kiên Giang, của khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn thu hút ngày càng nhiều người dân từ các tỉnh, thành trong nước, người định cư ở nước ngoài về dự. Đây là một nét đẹp văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với vị anh hùng áo vải, đã xả thân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông, đất nước. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Lễ Dâng hương kỷ niệm 151 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2019) - Ảnh: Thế Hạnh

Đến hẹn lại lên, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 153 năm AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2021) diễn ra từ ngày 02 đến 04/10/2021 (nhằm ngày 26 đến 28/8 âm lịch) tại thành phố Rạch Giá. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh không tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm 153 năm AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh, giao Ban Bảo vệ di tích Đình và mộ Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá tổ chức các nghi lễ cổ truyền như Thượng Đại kỳ, phần hương, tế đàn cả, hậu phối... trong nội bộ, nhằm tưởng niệm, tôn vinh, bày tỏ bày lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của vị anh hùng tuổi trẻ, chí lớn với tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên dũng.

Tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ non sông đất nước của dân tộc ta. AHDT Nguyễn Trung Trực có tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn), sinh năm 1838 tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, người anh hùng làng chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia kháng chiến, lập nhiều chiến công hiển hách. Các chiến công của ông đã được sử sách ghi nhận, được triều đình phong kiến tặng nhiều danh hiệu cao quý, được Nhân dân ca ngợi; đặc biệt là hai chiến công vang dội đã đi vào lịch sử của dân tộc: Trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và năm 1868 lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh Rạch Giá. Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp và tay sai điên cuồng truy tìm ông, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt hoặc giết được ông. Độc ác hơn, chúng bắt giữ mẹ ông hòng gây áp lực, buộc ông đầu hàng; đồng thời chúng tăng cường lực lượng trấn áp nghĩa quân.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 151 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2019) - Ảnh: Quỳnh Như

Không khuất phục kẻ thù xâm lược, Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đã rút ra đảo Phú Quốc để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ tiếp tục chống Pháp. Ngày 19/9/1868, giặc Pháp đưa hơn 100 lính Mã tà ra Phú Quốc, tấn công Hàm Ninh; sau đó chúng tăng cường thêm viện binh tấn công Dương Đông. Chúng bao vây, khủng bố, khống chế gắt gao Nhân dân trên đảo hòng cô lập và triệt hạ nghĩa quân. Trước cảnh đồng bào bị đàn áp, khảo tra, vũ khí của nghĩa quân cạn kiệt, thế giặc lại mạnh, Nguyễn Trung Trực đã quyết định hy sinh bản thân mình để bảo toàn lực lượng cho nghĩa quân và tính mạng cho đồng bào.

Bắt được Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp đưa ông về Sài Gòn, giam tại Khám lớn. Chúng dùng nhiều cách tra khảo và chiêu dụ ông đầu hàng, quy thuận nhưng đều thất bại. Biết không thể mua chuộc được ông, Pháp đưa Nguyễn Trung Trực về Rạch Giá xử chém, ngày 27/10/1868. Nguyễn Trung Trực hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 30. Trước lúc hy sinh, ông đã khẳng khái nói trước quân thù: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”; thể hiện mạnh mẽ ý chí, quyết tâm chống xâm lược của cả dân tộc ta. Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt đã tự hào ca ngợi khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực: "Hỏa hồng Nhật Tảo anh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần". Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực có ý nghĩa và vị trí đặc biệt trong sự nghiệp kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung.

Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá vào những ngày lễ hội - Ảnh: Quỳnh Như

Tấm gương hy sinh anh dũng cùng những chiến công hiển hách của AHDT Nguyễn Trung Trực đã để lại dấu không phai mờ trong lòng Nhân dân. Hình ảnh của người anh hùng áo vải, với những huyền thoại được truyền tụng thật ý nghĩa, ca ngợi khí tiết, đề cao đức độ, ngưỡng mộ ông như một vị thần. Nguyễn Trung Trực là vị thần do chính Nhân dân phong tặng, tôn vinh và thờ phụng hàng trăm năm qua. Hiện nay, không chỉ ở thành phố Rạch Giá, mà nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang cũng có hàng chục ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực như ở thành phố Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Kiên Lương… Một số tỉnh như Long An, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bình Định… đều có đình, đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực. Nhiều gia đình còn lập bàn thờ Nguyễn Trung Trực tại nhà riêng như thờ ông bà, cha mẹ mình để tưởng nhớ công ơn của ông và làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình.

Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực thực sự là ngày hội lớn của cả vùng ghi nhận tên tuổi của Cụ Nguyễn mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân. Lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô và nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của các bậc tiền nhân; thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống hào hùng ấy, nguyện đem sức mình xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Thy