
Việc mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Nghinh Ông còn góp phần đưa lễ hội trở thành một trong những lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và quảng bá hình ảnh của Kiên Hải.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hoá dân gian lâu đời của cư dân sống bằng nghề biển ở Việt Nam. Ở Kiên Giang có nhiều nơi thờ Ông Nam Hải (Nam Hải Đại Tướng Quân - Cá Ông) và tổ chức cúng tế hàng năm được duy trì đều đặn như: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành và Kiên Hải. Trong đó, Lễ hội Nghinh Ông ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải được tổ chức quy mô, thu hút được đông đảo người dân tham dự. Lễ hội gắn liền với Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình thần Nam Hải Đại Tướng Quân. Người dân tại xã Lại Sơn, hằng năm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông như một sự kiện văn hóa tâm linh truyền thống của địa phương nhằm mục đích tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, tỏ lòng kính ngưỡng đối với Ông Nam Hải đã bảo trợ đời sống con người.
Lễ hội Nghinh Ông đã bảo tồn và nuôi dưỡng các giá trị văn hoá ở vùng biển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá địa phương. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng cộng đồng ngư dân vùng biển ở Kiên Hải vẫn duy trì được tập tục thờ cúng Ông Nam Hải gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư. Lễ hội Nghinh Ông mang những giá trị nhân văn sâu sắc, đó là biểu hiện của sự đền ơn đáp nghĩa, của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; giáo dục cho hậu thế về nhân cách, đạo đức, tâm hồn và truyền thống văn hóa dân tộc. Là nơi để mọi người hướng về cội nguồn văn hóa truyền thống, tổ tiên. Người dân đến với lễ hội ngoài mục đích gắn với niềm tin tín ngưỡng còn để gặp gỡ, vui chơi, trao đổi kinh nghiệm nghề biển… Từ đó tăng thêm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Từ năm 2010, Kiên Giang chọn Lễ hội Nghinh Ông là 01 trong 13 lễ hội, sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội Nghinh Ông, huyện Kiên Hải đã có quy mô, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống mang nét đặc trưng của văn hóa miền biển, được các thế hệ người dân nối tiếp nhau gìn giữ như: Lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ kiến quân, lễ Nghinh Thần Nam Hải... Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao mang tính đại chúng, gắn kết với cuộc sống của cư dân miền biển. Lễ hội Nghinh Ông có sức hấp dẫn về tâm linh, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện sinh thái biển đảo là một tài nguyên du lịch đặc trưng của Kiên Hải.
Bên cạnh đó, thời điểm diễn ra lễ hội hàng năm đều trùng vào 2 trong 3 ngày tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, mở rộng lễ hội về lâu dài cũng nhằm tạo nên một “cung đường" để ngành du lịch thiết kế những tour - tuyến kết nối 2 sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội - tín ngưỡng là phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của Đề án, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội với nội dung, hình thức phần lễ và phần hội, đa dạng hóa nội dung và hình thức phần hội với các trò chơi, trò diễn, hội thi, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn, có nhiều ý nghĩa để thu hút đông đảo người dân tham dự cùng tham gia giao lưu, tạo không khí, vui tươi và lành mạnh. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ; củng cố, tăng cường khối đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các cộng đồng dân cư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia các hoạt động lễ hội, nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa của địa phương gắn với việc thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ để tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động và công tác bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của lễ hội.
Đề án đề xuất chi tiết nội dung kịch bản mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; đưa ra các giải pháp thực hiện về nâng cao nhận thức; tăng cường công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động nguồn lực tài chính; cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá, hợp tác và liên kết phát triển.