Lễ hội phản ánh một cách hệ thống các đặc điểm và nhận thức là lễ hội của cư dân miền biển. Tao đàn Chiêu Anh Các không phải là lễ hội mang tính đơn nhất, mà đó là một chỉnh thể thống nhất được cấu thành từ những yếu tố lễ hội truyền thống, nhất là những yếu tố di sản đình làng, các giá trị địa sinh thái của người dân sống ở ven biển và biên giới Việt Nam. Loại hình lễ hội này là quá trình tích hợp các yếu tố văn hóa phản ánh tính chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và dân tộc ở vùng biên giới và hải đảo.

Họp mặt, giao lưu văn nghệ sĩ Kiên Giang tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Ảnh: Trần Việt Trung
*Giá trị sáng tạo văn học nghệ thuật
Ngoài giá trị tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội là dịp nhớ ơn các nhân vật lịch sử, ca ngợi công đức và giá trị nghệ thuật của Tao đàn Chiêu Anh Các. Ở Chiêu Anh Các, giá trị nghệ thuật lớn nhất là các sáng tác văn thơ về Hà Tiên. Thông qua lễ hội này, các giá trị về văn chương được khơi dậy và thúc giục thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy bằng những sáng tạo văn học nghệ thuật. Các giá trị ấy có thể cô đọng qua những sáng tác làm nên nền văn học Hà Tiên. Đầu thế kỷ XX, những giá trị văn học nghệ thuật một lần nữa được sống lại và được khẳng định với nền tân học của văn chương, báo chí quốc ngữ. Nền văn học Hà Tiên được hình thành và có cơ sở nền tảng vững vàng. Tiêu biểu cho vùng đất này có thi sĩ Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà thơ Nguyễn Thị Manh Manh.
Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, văn học ở giai đoạn này như: Hà Tiên Mạc Thị sử, Hà Tiên thập cảnh, Những lỗi thường lầm trong sử học Quốc văn (1936), Đăng Đàn,… Những truyện ngắn, hay tuyển tập Dưới mái trăng non, Nàng Ái Cơ trong chậu úp, được người đời tán thưởng và lưu truyền trong dân gian như một truyền thuyết. Các tác phẩm này là sự sáng tạo nghệ thuật được hun đúc và duy trì tiếp nối sau thành tựu của Tao đàn Chiêu Anh Các và trở thành những áng văn nổi tiếng của vùng Hà Tiên trong thế kỷ XX.
Từ năm 2008, những giá trị này được tái hiện qua hội “Đêm thơ”, tổ chức vào mỗi kỳ lễ hội. Đến hẹn lại lên, trong đêm thơ này, nhiều tác giả ở khắp mọi miền của Tổ quốc tề tựu về đây, đăng ký và gửi những sáng tác của mình. Trong tâm thức của người làm văn chương, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là nơi báo cáo kết quả của những sáng tạo nghệ thuật. Lễ hội là thời điểm để các tác giả gặp gỡ, hàn huyên, trưng bày và thể hiện các tác phẩm mới sáng tác của mình. Là điểm tập hợp của hội văn nghệ, câu lạc bộ văn thơ các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm trung bình có khoảng 1.000 sáng tác văn chương đăng ký gửi về Ban Tổ chức để được diễn xướng trong đêm thơ. Đến với Tao đàn Chiêu Anh Các vào mỗi mùa lễ hội, các thi sĩ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi bàn luận thơ văn. Trước chương trình diễn xướng “Đêm thơ”, Ban Tổ chức có chuyến du khảo thực tế “Hà Tiên thập cảnh”. Sau chuyến đi này, một loạt sáng tác mới sẽ đến vào mùa hội năm sau, một số tác giả cho ra đời ngay sau buổi đi thực tế bằng các tác phẩm hay, xuất sắc về cảnh đẹp thiên nhiên, về vùng đất và con người Hà Tiên. Có thể thấy, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là nơi hội tụ của những sáng tác văn chương trong thời đại cách mạng thông tin. Trong kỷ nguyên số 4.0, các giá trị văn chương, văn hóa đọc và các sáng tác thi ca dường như đang bị xem nhẹ, thì Hà Tiên với các sinh hoạt trong hội “Đêm thơ” của lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các đã và đang tạo ra môi trường và điểm đến cho những ai đam mê các giá trị văn học nghệ thuật.
*Giá trị xã hội
Về mặt tâm linh, tín ngưỡng:
Giá trị tâm linh, tín ngưỡng của lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là sự dung hợp các yếu tố, vị thần và các phong tục tập quán, tín ngưỡng đã và đang tiếp biến ở địa phương, trong đó nổi bật là lễ hội Kỳ yên ở đình Hà Tiên, lễ hội kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Bà Cô Năm, lễ giỗ Mạc Cửu và một số tín ngưỡng thờ cá Ông, thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ Âm linh trong vùng Hà Tiên. Trong phần hội, số lượng người tham dự ít hơn, nhưng phần lễ thì hầu hết người dân đến dự đông đủ để dâng cúng, làm lễ nghi và cầu khấn, ước nguyện cho sự may mắn, bình an trong cuộc sống. Dù hình thức, tên gọi của lễ hội có thay đổi, nhưng các giá trị tín ngưỡng, tâm linh của người dân vẫn còn thể hiện rõ nét qua các ý niệm và lễ nghi tín ngưỡng: Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng là chỗ dựa vững chắc và cao nhất trong quá trình khai hoang lập ấp của nhiều tầng lớp nhân dân. Dưới Thành Hoàng bổn cảnh, một loạt các vị thần được người dân nghĩ đến và dâng cúng trong lễ hội này như: Thần Tài, Bà Chúa Xứ, Quan Âm Nam Hải, Quan Thánh Đế Quân, Ông Tà, Ông Địa và các Hương linh. Quan niệm các vị thần trên đại diện cho các lĩnh vực của đời sống, thần che chở, bảo an cho dân, giúp người dân tai qua nạn khỏi, mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đối với tín ngưỡng thờ Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích, người dân không có khái niệm riêng cho các vị này vì trong tâm trí họ, dòng họ Mạc là bậc thánh nhân cùng vai vế với Thành Hoàng bổn cảnh và các vị thần khác. Đây được xem là nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân vùng này. Với người dân, vai trò của họ Mạc không còn là nhân vật lịch sử chính hữu mà đã được tôn lên bậc thánh thần, điều này cho thấy sự kính nể và tôn sùng của hậu thế đối với các bậc tiền nhân có công khai phá và sáng lập vùng đất Hà Tiên.
* Giá trị cố kết cộng đồng
Tính cố kết cộng đồng của lễ hội được thể hiện qua vai trò chủ động đi lễ của người dân và sự gắn kết khi tham gia thực hành tín ngưỡng, việc sắp xếp các sản vật dâng cúng thần linh, nấu ăn và phục vụ khách thập phương bằng cả sự thiện nguyện của mình. Khi bước vào lễ hội, mỗi gia đình trong vùng đều có sự chuẩn bị các vật lễ, từ thực phẩm, hoa quả, gia đình nào khá giả thì vật phẩm nhiều, gia đình nào khó khăn thì tùy khả năng. Sau khi chuẩn bị lễ vật xong, mỗi đoàn thường có một người đại diện, thông báo giờ giấc để đi lễ. Vào ngày chính lễ, nhiều đoàn, tổ chức từ các ấp, khu phố trong xã, phường, không phân biệt giàu nghèo, lớn nhỏ, trai gái, cùng nhau kéo về nơi tổ chức lễ hội. Trước khi dâng lễ, người dân xếp hàng thành từng đoàn với sự nghiêm túc và trật tự. Ở ngày này, các thành viên cộng đồng dựa trên quan hệ bình đẳng và tự nguyện, không tranh giành quyền lợi, lợi ích cho bản thân. Khi đứng trước bàn nghi lễ dâng cúng và khấn vái trước thần linh, không ai nghĩ trong lòng sự đố kỵ, tranh đua ganh ghét mà chỉ có sự bao dung, mong muốn cho toàn thể người đi dự lễ và cộng đồng hàng xóm mình được mạnh khỏe, dân làng được vui tươi, sung túc, mọi người được bình an vô sự.
Một khía cạnh khác ngoài giá trị cố kết cộng đồng của người dân địa phương, giá trị này mang tính đặc trưng được xem như nền tảng của lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các mà không lễ hội nào có được ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đó là gắn kết “cộng đồng nghệ thuật văn chương” ở các khu vực trên cả nước. Lễ hội là dịp chia sẻ, trao đổi, học tập và thưởng lãm các giá trị nghệ thuật văn chương thể hiện qua từng tác phẩm của các tác giả trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đến với lễ hội, các thi sĩ, nhà văn được thả hồn theo sông nước Hà Tiên, được thể hiện cái tôi của mình về lòng ngưỡng mộ đối với vùng đất, được trình diễn những bài thơ mang nỗi lòng của từng tác giả qua các ngâm khúc. Tất cả là một điểm nhấn, một ấn tượng mà trên hết là sự kết nối cộng đồng thi nhân, làm bệ phóng cho những ý tưởng, dự án, câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật thơ được hình thành ở các tỉnh sau này. Trong hơn 10 kỳ tổ chức lễ hội, đã có 15 câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật thơ của các tỉnh, thành phố gắn kết với lễ hội và đăng ký trình diễn qua các năm. Con số này đánh dấu sự kết nối và sức mạnh đang hình thành trong việc phục dựng lại các giá trị văn học nghệ thuật vốn là nét đặc trưng của lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các.
* Cân bằng đời sống tâm linh cộng đồng:
Đây là giá trị được chú trọng trong lễ hội. Đời sống tâm linh được thừa nhận và người dân được thực hành các nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tinh thần của mình. Từ việc đi lễ, người dân cảm thấy ý nghĩa, thoải mái và có cảm giác bình yên hơn trong cuộc sống. Sự cân bằng đời sống tinh thần qua các ý niệm, lễ nghi, thực hành tín ngưỡng tại lễ hội gắn với nhu cầu thực tế của đời sống người đi lễ và cư dân địa phương. Đối với Thành Hoàng bổn cảnh và các danh nhân họ Mạc, người dân xem là biểu tượng cho sinh mệnh, là các vị thần bảo hộ đem lại bình an cho người dân, giá trị này ảnh hưởng nhiều nhất trong cộng đồng người Việt và người Hoa cư trú nơi đây với nhu cầu gắn kết cộng đồng. Tính biểu tượng niềm tin trong tín ngưỡng thờ Cá Ông, Quan âm Nam Hải, thờ Mẫu mang nhiều ý nghĩa mới. Người dân xem biểu tượng này như một gia đình “Ông - Bà”. Hiện tại, thành phố Hà Tiên và các hải đảo trực thuộc, quan sát thấy phổ biến thờ theo kiểu tín ngưỡng cặp đôi “Lăng Ông - Miếu Bà”. Người dân xem mình là những đứa con, cần được ông - bà, cha - mẹ bảo ban, che chở và cưu mang. Khi đến với tín ngưỡng này, người thực hành có hai hướng, một là xin ông bà, cha mẹ bảo vệ cho con trên con đường lập nghiệp, nhất là các chuyến ra khơi; hai là, bảo vệ gia đình mỗi khi con đi vắng, lênh đênh trên biển và hãy luôn che chở cho con để ngày về được gặp lại cha mẹ và gia đình. Niềm tin cân bằng đối với tín ngưỡng tâm linh thờ Ông và thờ Bà là rất lớn đối với người dân đi biển vùng Hà Tiên, biểu tượng này mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nhất là cư dân miền biển ở Hà Tiên.
Quan Thánh Đế Quân là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, lòng trung thực của người dân, nhất là đấng nam nhi, đây được xem là biểu tượng của người Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng người Kinh và Khmer trong vùng. Vị thần này tượng trưng cho những quy tắc ứng xử giữa người và người về chuẩn mực đạo đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
* Dung hòa các ứng xử của con người với môi trường văn hóa biển
Yếu tố dung hòa với biển có từ đầu trong tín ngưỡng đi biển của người dân, sau đó được thể hiện trong các hành vi tín ngưỡng tại lễ hội. Vì trước khi có lễ hội, sự dung hòa trong ứng xử biển đã được biểu hiện qua những nghi thức cúng, tế, những điều cấm kỵ, kiêng cữ của người dân khi hành nghề trên biển. Từ các ứng xử giữa con người với thần linh trong việc thực hành tín ngưỡng tại lễ hội, người dân đã có sự ứng xử tốt với cộng đồng và biết cách dung hòa các mối quan hệ với môi trường địa lý khu vực mình sinh sống. Cư dân bản địa có đời sống gắn bó với biển. Trong tâm thức của họ, biển là nguồn sống và là cơ ngơi cho sự phát triển. Từ việc tham gia lễ hội, người dân đã gửi các giá trị tâm linh, thiêng liêng của mình cùng những đức tin đối với thần linh vào việc ứng xử dung hòa với môi trường biển. Khi tham gia lễ hội, người dân trở nên quý trọng biển và nguồn tài nguyên của biển mang lại, từ đó có những cách thức trong khai thác và bảo tồn nguồn sống từ biển, đảm bảo tính lâu dài bền vững thay vì khai thác triệt để như trước. Họ làm nghề biển nhưng không bao giờ dâng cúng các sản vật từ biển lên thần linh trong mỗi mùa lễ hội vì quan niệm các sinh vật biển có thể là hóa thân của một vị thần nào đó, của Bà hay của Ông Nam Hải trên sông nước. Các vị thần đã không ngại một phần thân thể của mình để ban phước giúp nuôi sống con người. Người dân rất sợ “phạm húy” nếu dâng cúng hải sản bị quở phạt sẽ không còn đường sống trên biển. Chính vì vậy, các loại hải sản không bao giờ được làm lễ vật dâng cúng thần linh mà thường chỉ được người dân mang đi thết đãi trong phần hội, xem như là lộc của thần ban và chia sẻ cho mọi người cùng hưởng.
Nét ứng xử này thể hiện tinh thần tôn sùng thần linh, là mặt tích cực không thể phủ nhận trong việc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị từ biển. Lễ hội này được xem như sợi dây cố kết cộng đồng, giáo dục lòng vị tha, nhân ái, lưu truyền các giá trị truyền thống và giúp người dân ý thức trong việc khai thác bền vững các giá trị biển đảo. Hơn nữa là giáo dục ý thức hướng đến sự hiền hòa, triết lý nhân văn, bao la của biển và nguồn nước, niềm tin vào những điều tốt đẹp, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước biển, mang lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn của người dân vùng biển Hà Tiên trong mỗi kỳ lễ hội.
Những giá trị của lễ hội đã góp phần nâng cao nhận thức về lễ hội hiện đại, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương và các cấp chính quyền, cần tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị của lễ hội nói chung và lễ hội hiện đại vùng biển, biên giới nói riêng. Trong đó, đề cao việc xây dựng đội ngũ chuyên môn, xây dựng cơ sở dữ liệu lễ hội và phát huy các giá trị của lễ hội ở vùng biên giới, biển đảo bằng cách thiết lập tuyến, điểm di tích, di sản và du lịch gắn liền với lễ hội để tạo cơ sở, dữ liệu khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, ngành di sản văn hóa đang thúc đẩy việc nghiên cứu và phổ biến mạnh mẽ di sản lễ hội, nghiên cứu các đặc điểm và giá trị của lễ hội để có phương án bảo tồn và phát huy có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của địa phương mà còn góp phần quan trọng đối với chiến lược phát triển di sản lễ hội của quốc gia và những giá trị của lễ hội đương đại trong tình hình hiện nay./.