
Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực là một lễ hội thể hiện tính nhân văn đặc sắc và tính xã hội hóa cao, từ rất lâu đã là một lễ hội của cộng đồng, của nhân dân, do nhân dân. Đây cũng chính là yếu tố căn bản quyết định sự thành công của lễ hội từ bấy lâu nay. Theo lý lịch di sản, trước năm 1975, lễ hội chưa được tổ chức quy mô, phần hội rất ít mang tính chất là lễ cúng giỗ. Năm 1986, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi vận động tôn tạo, tu bổ lại khu vực mộ và đình Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá. Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận “Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực” là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 191-VH/QĐ. Sau khi được xếp hạng, đình thần Nguyễn Trung Trực đã thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân rất hiệu quả. Năm 1988, nhân kỷ niệm 120 năm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực, chính quyền, Ban bảo vệ di tích đình thần Nguyễn Trung Trực và nhân dân tổ chức nâng quy mô thành lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Từ đó, lễ hội được tổ chức đều đặn, trở thành ngày hội lớn của cả vùng Nam Bộ, với số lượng người từ nhiều tỉnh, thành về tham dự lên đến hơn 01 triệu lượt mỗi năm.

Ảnh: Thế Hạnh

Cứ vào gần cuối tháng tám âm lịch, nhân dân khắp nơi trong cả nước cùng nhau hội tụ về thành phố Rạch Giá, nơi có ngôi đình chính thờ Nguyễn Trung Trực để thắp hương, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị AHDT, được hòa mình vào không gian nhộn nhịp của lễ hội, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc và ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Kiên Giang. Việc tổ chức các nghi lễ đảm bảo tính tôn nghiêm cả nội dung lẫn nghi thức, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như: Lễ Mộc Tượng, Lễ lập Hương Án, Lễ Thượng Đài kỳ, Lễ tế Đàn Cả, Lễ Hậu Tế, Lễ viếng và dâng hương tại đình, Lễ rước sắc và dâng hương. Năm 2014, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết bài chúc văn đọc trong lễ Dâng hương và được Ban Tổ chức chọn là chúc văn chính thức của lễ hội. Chúc văn tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Trung Trực là một bản anh hùng ca tôn vinh, ca ngợi công lao, đức tài, khí phách anh hùng của người lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp Nguyễn Trung Trực.

Đến với lễ hội, bên cạnh các phần lễ, du khách còn được trải nghiệm, thưởng ngoạn, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, dạo chơi ở các điểm diễn ra hội chợ - triển lãm, chợ phiên... rất thú vị. Trong những ngày này, du khách còn được thưởng thức rất nhiều sản vật địa phương từ bánh, trái cây và các món đặc sản của 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nét văn hóa độc đáo mỗi khi nói đến Lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực hàng năm là trước ngày chính thức diễn ra lễ hội, người dân khắp nơi về đây để làm công quả, chung tay sửa sang đình thờ, dựng trại, đắp lò nấu cơm để tỏ lòng thành kính đối với cụ Nguyễn.


Điều thú vị là cả triệu lượt người đến khu di tích đình Nguyễn Trung Trực trong các ngày lễ đều được phục vụ ăn, nghỉ miễn phí và khám, chữa bệnh miễn phí. Trung bình mỗi kỳ lễ hội, tại đình phục vụ khoảng hơn 01 triệu suất ăn. Các món ăn chay, ăn mặn đều được lên thực đơn đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những năm khách tham dự quá đông, một số khuôn viên, phòng làm việc của các cơ quan và một phần nhà dân được trưng dụng để phục vụ khách hành hương nghỉ miễn phí. Những năm gầy đây, để tạo điều kiện cho người dân ở xa có chỗ nghỉ, Bao bảo vệ đình vận động lập trại võng phục vụ khoảng 2.000 người.

Kinh phí tổ chức chủ yếu do người dân và các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. Đây là một mô hình lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, người đi hội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong lễ hội, tạo nên sự cố kết chặt chẽ tất cả những thành phần tham gia lễ hội. Hiếm có lễ hội nào mà nhân dân lại tự giác cùng nhau chia sẻ giá trị tinh thần và vật chất như Lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực.

Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực đã có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội truyền thống lịch sử - văn hóa hàng năm của tỉnh và được các thế hệ nhân dân Kiên Giang gìn giữ, lưu truyền và cho đến ngày nay lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô lớn với sự tham gia không chỉ của nhân dân trong tỉnh mà còn có hàng trăm ngàn đồng bào từ các miền đất nước về dự trong niềm tự hào trân trọng. Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đặc điểm riêng có của lễ hội là tính cố kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác thiện nguyện của người dân tham gia. Qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực mang đậm giá trị nhân văn, nét độc đáo của vùng đất cực Nam Tổ quốc. Số lượng người dự lễ hội mỗi năm ngày càng tăng, cơ sở vật chất tương đối đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân; gần đây thu hút trên 02 triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ vị anh hùng của dân tộc, thể hiện sự phát triển không ngừng của lễ hội hướng về cội nguồn, làm giàu thêm và phát huy tính nhân văn của dân tộc. Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật, chính trị, khoa học, lễ hội còn có giá trị về tiềm năng phát triển du lịch. Lễ hội là tài nguyên nhân văn có giá trị rất lớn để khai thác phát triển du lịch văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu được những công lao của tổ tiên trong quá trình dựng nước và giữ nước, càng thêm lòng tự hào về quê hương, đất nước mình.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023. Đây sẽ là động lực cho chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản trên địa bàn.