
Toàn cảnh buổi làm việc vào chiều ngày 23/2/2023
Theo báo cáo của Hội nước mắm Phú Quốc thì nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ trong nước vào năm 2001 và 28 nước liên minh Châu Âu bảo hộ vào năm 2012; nghề và làng nghề sản xuất truyền thống tại địa phương đã được UBND tỉnh công nhận năm 2017 và năm 2021 nước mắm Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể, tri thức dân gian” cấp quốc gia, và hiện nay là một trong những sản phẩm du lịch của địa phương, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho thành phố, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh sản phẩm truyền thống cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Hội nước mắm Phú Quốc hiện có 54 hội viên với khoảng hơn 7000 thùng ủ chượp, sản lượng nước mắm hàng năm khoảng từ 20 - 30 triệu lít. Trong đó, có 10 hội viên xuất khẩu nước mắm và có 07 hội viên có tàu khai thác cá cơm.
Hơn 20 năm hình thành và phát triển Hội, tình hình sản xuất kinh doanh của hội viên rất ổn định. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tình hình sản xuất kinh doanh của nước mắm Phú Quốc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là năm 2022 hơn 70% nước mắm dạng nguyên liệu thô của hội viên không thể tiêu thụ dẫn đến hệ lụy các tàu đánh bắt các cơm cũng không ổn định do không bán được cá cơm và giá dầu lại tăng cao. Dự báo năm 2023 tình hình vẫn còn tiếp tục khó khăn, vốn vay ngân hàng cũng hạn chế hơn nữa lãi suất lại tăng cao làm cho một số hội viên không thể tái sản xuất và có một số hội viên cũng đang trên bờ vực phá sản…
Trước tình hình khó khăn trên, Ban chấp hành Hội cũng tìm nhiều giải pháp như đề xuất các cấp lãnh đạo tổ chức Lễ hội nước mắm Phú Quốc định kỳ 2 năm một lần nhằm quảng bá sản phẩm nước mắm, xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
Tại buổi làm việc với Hội nước mắm Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức Lễ hội nước mắm Phú Quốc nhằm góp phần quảng bá thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc.