TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Lễ hội

Xem với cỡ chữAA

Tín ngưỡng văn hóa và lễ hội tiêu biểu ở thành phố Hà Tiên

(11:09 | 26/07/2023)

Hà Tiên là thành phố nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, có diện tích gần 100km2. Địa danh Hà Tiên là tên gọi hành chính quen thuộc, xuất phát từ truyền thuyết và văn hóa thời Mạc Cửu, có niên đại khoảng đầu thế kỷ 18.

Trước đó, Hà Tiên có nhiều tên gọi khác nhau, theo Gia định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Hà Tiên tục xưng là Mang Khảm, tiếng gọi Phương Thành. Ông Mạc Cửu, người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, tỉnh Quảng Đông, thấy phủ Sài Mạt có nhiều người các nước tụ tập, ông chiêu mộ dân, thành lập 7 xã thôn. Xứ sở này tương truyền thường có tiên hay xuất hiện trên sông, nhân đó gọi là Hà Tiên”. Tháng 8 năm Mậu Tý (1708), Hiếu Minh Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) sắc cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên”.1

Trước khi Mạc Cửu đặt chân đến, tên gọi Mang Khảm là từ Hán Việt phiên âm danh xưng từ ngữ hệ Nam Đảo (tiếng Mã Lai), người phương Tây gọi là Muang - Kram. Phiên âm Muang có nghĩa là xóm đông người, Kram nghĩa là thị trấn chìm trong nước, hay ngập nước. Khi Mạc Cửu đến khai phá và dâng vùng đất này thuộc Đàng Trong, chúa Nguyễn đã ghi danh tên gọi Hà Tiên chính thức vào sử liệu địa giới hành chính năm 1708 và phong chức Tổng binh Đại đô đốc cho Mạc Cửu.

Hà Tiên là một thị trấn buôn bán sầm uất, có hải cảng lớn giao thương với các tàu buôn phương Tây và các nước Nam Á trong hải trình từ Tây sang Đông và ngược lại. Các thương hiệu của người Hoa và người Việt lần lượt mọc lên, buôn bán nhộn nhịp. Hàng quán, các cửa hàng mỹ nghệ mở ra khắp nơi, nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, khai thác đánh bắt thủy sản được mở mang, tạo cho Hà Tiên thế mạnh về kinh tế, phát triển nền văn hóa rực rỡ, trong đó thi ca là một nét đặc trưng điển hình còn lưu lại tiếng tăm của một thời kỳ mà sự phát triển với những dấu ấn của lịch sử đã làm nên một Hà Tiên còn mãi với thời gian.

Hà Tiên có 7 lễ hội và nhiều tín ngưỡng văn hóa bản địa thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tìm hiểu. Hà Tiên là địa danh hình thành lâu đời, nơi hội tụ các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, các giá trị này được xác lập từ thuở sơ khai cho đến khi vai trò của dòng họ Mạc được ghi nhận ở vùng đất này với nhiều giai đoạn lịch sử.2

Qua quá trình tìm hiểu, cộng đồng cư dân Hà Tiên có đời sống tương đối phát triển, ngoài việc đánh bắt xa bờ, người dân còn tham gia nuôi trồng thủy sản. Sinh hoạt cộng đồng tương đối gắn bó, họ có cuộc sống giản dị và đời sống tín ngưỡng, lễ hội vô cùng phong phú, có thể điểm qua hệ thống các thiết chế văn hóa, cơ sở thờ tự cùng các tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội trên địa bàn đất liền và các đảo, hòn đảo thuộc Hà Tiên như sau:

* Tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi) và lễ hội Nghinh Ông

Qua khảo sát, thành phố Hà Tiên có 5 địa điểm liên quan đến tục thờ cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông tập trung chủ yếu ở ven biển và các đảo thuộc thành phố. Riêng quần đảo Hải Tặc có 3 cơ sở tín ngưỡng thờ tự cá Ông, chiếm số đông so với các phường, xã còn lại, trong đó 2 nơi có thờ bộ xương cá Ông kích thước dài 12m, nặng trên 15 tấn, đó là đảo Hòn Đốc và thành phố Hà Tiên.

Cá Ông được xem như vị thần hộ mệnh của ngư dân, mỗi khi ra khơi đánh bắt, họ đều ước vọng, khấn vái “Ông” để được thuận buồm xuôi gió, bội thu khi trở về. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch, người dân các nơi đổ về chiêm bái và tham dự Lễ hội Nghinh Ông. Tuy không tổ chức lớn như Lễ hội Nghinh Ông ở huyện khác, nhưng lễ hội Nghinh Ông ở Hà Tiên cũng được tổ chức không kém phần long trọng, thể hiện ước vọng bình an của người dân, nhất là những người làm nghề đi biển.

Ban Quý tế Đình Thần Hà Tiên

* Tín ngưỡng thờ Mẫu và Nữ thần

Tại Hà Tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Nữ thần được nhân dân tôn vinh và thường được gọi chung là thờ Bà. Dựa trên hệ thống thờ Mẫu, ở Hà Tiên có thể chia thành hai nhánh: Nhánh Thánh Mẫu gồm: Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu..; nhánh Nữ thần gồm: Bà Thủy, Thủy Long Thánh Mẫu, Bà Cô, Bà Ngũ Hành, Bà Liễu Hạnh, Quan Âm… Riêng tại quần đảo Hải Tặc, quan sát chỉ thấy hệ thống thờ nhánh Thánh Mẫu với các miếu thờ tương đối lớn như miếu bà Chúa Xứ ở Hòn Đốc, còn lại nhánh Nữ thần không thấy phổ biến, chỉ có vài am, miếu thờ nhỏ ven đường, cạnh nơi tiếp giáp của các cảng biển, hoặc bến cập tàu trên các đảo có người dân sinh sống.3

Ngoài tín ngưỡng thờ cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông, người dân vùng Hà Tiên chú trọng đến tín ngưỡng thờ tự trong gia đình và cộng đồng. Trong vùng Phật giáo phát triển mạnh có sự đa dạng, đan xen giữa Phật giáo Bắc tông và Nam tông. Các cơ sở thờ tự được nhân dân quan tâm xây cất khang trang, toàn thành phố có hơn 10 ngôi chùa, một số chùa được xây dựng lâu đời từ thế kỷ 17, 18. Hàng năm người dân tổ chức lễ rất long trọng vào dịp Rằm tháng Giêng, gọi là lễ Kỳ Yên. Nhân dân có một tín ngưỡng phong phú và duy trì mạnh mẽ vào dịp này, nhiều nghi thức dâng lễ được tổ chức long trọng. Theo lời kể của các bô lão, trước khi đi đến các cơ sở thờ tự, việc thực hành tín ngưỡng diễn ra rộng khắp với các hình thức tại gia như: Nghinh thần; Túc yết; Chánh tế.

Để chuẩn bị cúng lễ, các hoành lộng, trang thờ trong nhà được trang hoàng thay mới với ý nghĩa mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với người dân. Điểm lạ ở vùng Hà Tiên là người dân không dâng cúng thần linh các hải sản đánh bắt, mà các sản vật chủ yếu là từ đất liền, đây có thể xem là tính cốt lõi truyền thống từ đất liền được giữ lại và tiếp nối đến vùng đất và biển đảo Hà Tiên. Các sản vật từ biển có chăng chỉ được dùng để đãi khách thập phương đến chiêm bái.

 Đa phần các lễ trong tín ngưỡng này được tổ chức bài bản hơn so với phần hội, chủ yếu sau khi dâng cúng lễ, mọi người ở lại dùng với nhau bữa cơm. Sau khi cúng lễ tại gia, người dân bắt đầu đi lễ ở các cơ sở thờ tự.

Nghi thức trong Lễ thỉnh Sanh

* Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, Âm linh

Tín ngưỡng này phát triển mạnh tại khu vực đình thờ Thần hoàng Bổn Cảnh Hà Tiên và lăng thờ dòng họ Mạc. Đỉnh cao của sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thành hoàng là niềm tin, sự tôn trọng của người dân đối với Danh nhân Mạc Cửu và hậu duệ của ông. Với người dân, dòng họ Mạc không chỉ là những nhân vật lịch sử mà họ xem như Thần Thành hoàng Bổn Cảnh luôn che chở, bảo ban người dân vùng Hà Tiên. Trong 13 sắc phong tại Miếu thờ dòng họ Mạc của nhà Nguyễn, trong đó có sắc phong cho Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích làm Thần Thành hoàng Bổn Cảnh dưới thời vua Minh Mạng và Tự Đức. Việc làm này càng tỏ rõ vai trò của họ Mạc trong công cuộc xây dựng và phát triển trấn Hà Tiên trong qua khứ.4

Ngoài hệ thống thờ tự Thành hoàng ở đình làng Hà Tiên và lăng dòng họ Mạc được xây dựng khang trang trên núi Bình San, thì tín ngưỡng thờ Âm linh tương đối phát triển ở Hà Tiên. Ở mỗi khu vực giao nhau của trục đường, ngã rẽ của sông, kênh, rạch, các vịnh, khúc cua, đồi, hang núi đều có miếu nhỏ, hoặc am để thờ tự. Họ quan niệm, những người chết oan ức, những vong linh không nơi nương tựa sẽ vào cư ngụ ở những am, miếu này. Trong những am, miếu loại này thường có sự cộng gộp nhiều vị thần, ngoài việc chính giữa miếu, am có đề chữ “Thần”, thì bên cạnh còn thấy thờ ông Hổ, thờ hương án âm linh và các tượng Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), Thổ địa v.v…

Ban nhạc lễ trên đường đi Nghênh đón Thần trong lễ Tế Đàn Cả

 Các Lễ hội tiêu biểu ở Hà Tiên:

* Lễ Kỳ Yên – hội làng truyền thống

Lễ Kỳ Yên diễn ra vào ngày 15 - 17 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra khi vụ mùa thu hoạch xong, việc đi lại trở nên dễ dàng, tất cả dân trong vùng đều quy tụ về các đình, lăng thờ họ Mạc và các chùa để tổ chức lễ. Lễ Kỳ Yên trở thành biểu tượng đời sống tâm linh của người dân vùng đất này. Lễ hội có sự tham dự đông đủ các thành phần dân tộc trên đất Hà Tiên, là dịp để các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, sự gắn kết cộng đồng, tương thân tương ái giúp nhau cùng tiến bộ trong cuộc sống.

Trước ngày diễn ra lễ chính, đông đảo nhân dân trong vùng tập trung về các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để quét dọn, gói bánh tét, làm đài sen, xếp những con “hạc vàng” dùng cầu an trong lễ hội… Lễ Kỳ Yên ở Hà Tiên được tiến hành hết sức nghiêm trang, với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống. Đầu tiên là lễ rước sắc thần từ nhà Chánh bái về Đình; dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế. Ban Hương chức Đình và các lễ sĩ mặc trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống, cờ phướn lộng lẫy đi rước sắc thần. Người dân đi lễ hội đều cùng ước vọng, cầu nguyện, cảm tạ Thần Thành hoàng Bổn Cảnh đã phù hộ độ trì, giúp cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.

* Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức hàng năm vào các ngày 14-16 tháng Giêng Âm lịch (Tết Nguyên tiêu). Lễ hội nhằm ghi nhận, tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của cán bộ, nhân dân địa phương về một sự kiện văn học trọng đại (được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đánh giá là tao đàn lớn thứ hai của cả nước trong thời phong kiến, sau tao đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập) đã diễn ra trên quê hương Hà Tiên từ những buổi đầu cha ông đi mở đất để trân trọng giữ gìn và phát huy.

Lễ hội được tổ chức từ năm 2008, trên cơ sở lấy ngày Tết Nguyên tiêu vào Rằm tháng Giêng, nhân dịp lễ Kỳ Yên ở Hà Tiên; là lễ hội mang tính đương đại, có sự cộng gộp nhiều ý nghĩa xuất phát trên nền tảng của lễ Kỳ Yên đầu năm, lễ hội kỷ niệm thành lập Tào đàn Chiêu Anh Các và kỷ niệm sự kiện “Đêm thơ” của Việt Nam được khởi xướng từ năm 2003. Các điểm nguồn này là điểm hình thành nên lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ngày nay.

Ở lễ hội này, chính quyền và ban trị sự ở các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng có sự kết hợp các nghi thức truyền thống của lễ hội đình làng và phần hội mang tính kỷ niệm hội tao đàn trong lịch sử và các hoạt động mang xu hướng về Đêm thơ Việt Nam. Chính những yếu tố kết hợp theo xu hướng biến đổi phù hợp với tình hình thực tế, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên có những tương đồng và dị biệt so với các lễ hội ở địa phương khác, tạo cho người biết đến lễ hội tính hiếu kỳ và phải tham gia tìm hiểu.

Lễ hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: Lễ Cầu an, lễ Rước thần, Thỉnh sắc… cùng các hoạt động hội như đi bộ diễu hành, thi đấu cờ tướng, hội thi thư pháp, hội chợ thương mại, hội thi ẩm thực Hà Tiên, giao lưu đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian, triển lãm ảnh, thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Đông Hồ, họp mặt các văn nghệ sĩ, hái lộc đầu xuân…

* Lễ hội Chôl -Chnăm -Thmây

Lễ Chôl-Chnăm-Thmây được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 hàng năm, Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”, là lễ tết lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer diễn ra vào giữa tháng Tư Dương lịch. Lễ hội vào năm mới của người Khmer ở Hà Tiên thường kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày.

Tết Chôl-Chnăm-Thmây, đồng bào Khmer tập trung tại các ngôi chùa, cùng thờ cúng ông bà, vui chơi và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Nhà chùa nào cũng cùng đồng bào chuẩn bị các nghi lễ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong những ngày tết. Những điệu múa Rô-băm, Lâm-thôn, Dù-kê và tục thả đèn trời là những nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội này. Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo ước nguyện của đồng bào Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

* Lễ giỗ Mạc Cửu, diễn ra từ 26/6 - 28/6 Âm lịch

Để ghi nhớ công lao của Tổng trấn Mạc Cửu, sau khi ông mất nhân dân Hà Tiên đã lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ. Lễ giỗ là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất và nhắc nhở mọi người về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đoàn kết chung lòng yêu quê hương, bảo vệ đất nước, giữ gìn vùng biên giới Tây Nam yên bình của Tổ quốc. Lễ giỗ Mạc Cửu diễn ra tại Lăng thờ ông, tọa lạc dưới chân núi Bình San. Các nghi lễ giữ theo thông lệ từ xa xưa. Khai lễ thường bắt đầu từ chiều ngày 26, ngày 27 là lễ Thỉnh sắc. Phần lễ tóm tắt tiểu sử, công đức của Đức Khai trấn Mạc Cửu và dòng họ Mạc đối với vùng đất Hà Tiên; ca ngợi công đức và vinh danh gương sáng cho con cháu hôm nay noi theo.

Sau phần lễ, là phần hội với nhiều hoạt động như trò chơi dân gian, viết thư pháp, đánh cờ tướng,… các hoạt động này tổ chức quanh khu di tích Lăng Mạc Cửu. Từ năm 2010 trở lại đây, phần hội được chính quyền tổ chức có phần long trọng hơn trước, ngoài các hoạt động quanh khu vực di tích, còn tổ chức các hoạt động quảng bá, hội chợ, ẩm thực, đoàn xe diễu hành quanh thành phố nhằm tạo ấn tượng cho khách du lịch khi đến tham quan Hà Tiên.

* Lễ Sen-Đônta, diễn ra từ 29/8 - 1/9 Âm lịch

Lễ Sen-Dolta là lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Khmer. Những ngày này ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh, không khí lễ hội rộn ràng hơn bao giờ hết. Dịp này, người Khmer ở Hà Tiên mời các vị sư sãi về nhà tụng kinh cầu siêu cho thân nhân đã mất và dâng cúng các cô hồn không nơi nương tựa. Phật tử mang thức ăn và đồ dùng lên chùa dâng cho sư sãi, họ tin rằng các vị sư ăn một chút cũng đủ phước cho người chết và người sống.

Ngày lễ chính thức bắt đầu vào buổi chiều ngày 29/8 Âm lịch bằng một bài thuyết pháp của một vị sãi cả, kế tiếp là đọc kinh cầu siêu cho tất cả những người quá cố và cầu an cho người còn sống.

Lễ Sen-Dolta là lễ hội thể hiện truyền thống đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn”, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết phát triển kinh tế và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

* Lễ giỗ Bà Cô Năm (Mạc Mi Cô)

Phần lễ chính diễn ra vào các ngày 28-29/9 Âm lịch hàng năm tại Công viên Văn hóa Bình San như: Lễ An chức sự; Khai Chung cổ; Lễ Nghinh thần; Lễ viếng tự do. “Lễ tắm Bà” được cử hành vào lúc 00 giờ ngày 29/9 Âm lịch, sau lễ Tắm bà, người dân tiến hành Lễ Tế thần; Cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Sau phần lễ, chính quyền địa phương, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng niệm.

Lễ giỗ Bà Cô Năm mang ý nghĩa là lễ kỷ niệm ngày mất của thân nhân Mạc Cửu, nhưng trong các nghi thức thực hành lễ có sự dung hợp tín ngưỡng thờ Bà của người dân trong vùng. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô  nâng lên cả về nội dung và hình thức tổ chức, thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan cúng tế. Ngày giỗ là dịp để mọi người gặp gỡ, thành tâm khấn nguyện, cầu chúc mọi điều tốt đẹp đến với gia đình, người thân, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; hướng đến giá trị tâm an, thánh thiện. Đây còn là dịp để nhân dân Hà Tiên tôn vinh, trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời tạo sức hút không chỉ đối với du khách, mà còn là cơ hội để Hà Tiên tiếp tục giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử, thắng cảnh, thế mạnh tiềm năng về du lịch và thương mại để thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

* Lễ hội Ok-Om-Bok, diễn ra từ 14/10 – 16/10 Âm lịch

Đây là lễ quan trọng thứ 3 trong năm của người Khmer, diễn ra vào giữa tháng 10 Âm lịch hàng năm và là thời điểm kết thúc một vụ mùa của người nông dân. Lễ hội này còn có tên gọi khác như: Lễ Đút cốm dẹp hay Lễ Đưa nước...

Bên cạnh các nghi thức cúng Trăng, tâm điểm chú ý của lễ Ok-Om-Bok là cuộc thi đua ghe Ngo, tùy theo mỗi nơi mà tổ chức quy mô lớn nhỏ khác nhau. Ở Hà Tiên, đồng bào Khmer thường tổ chức đua ghe Ngo ở đầm Đông Hồ vào dịp lễ hội này.

Việc tổ chức các lễ hội ở Hà Tiên là cơ hội để cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có dịp gặp gỡ, giao lưu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Làm phong phú thêm các giá trị di sản văn hóa ở địa phương, vùng miền, bổ sung vào sự đa dạng và đặc sắc của đời sống văn hóa các cộng đồng dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử của đất nước; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

----------

1. Trương Minh Đạt (2017), Họ Mạc với Hà Tiên, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh  (Tr.13-14)

2.  Tư liệu điền dã thực hiện đề tài năm 2020

3. Tư liệu điền dã thực hiện đề tài năm 2020

4. Tư liệu điền dã thực hiện đề tài năm 2020

Bạch Huệ