TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Văn hóa nghệ thuật

Xem với cỡ chữAA

Đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

(10:36 | 30/08/2022)

Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường đổi mới với nhiều phương thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Kiên Giang năm 2019

Trên mảnh đất Kiên Giang, mỗi địa danh, di tích đều gắn với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ”, không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn phát huy tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kiên Giang hiện có 160 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 56 di tích được xếp hạng, gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích lịch sử - văn hóa đều gắn với truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đây là những minh chứng, là tư liệu "sống" để truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho thế hệ trẻ. Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng.

Nhiều địa phương chỉ đạo các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ, có nơi giao cho đoàn viên thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích; dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ; kết nạp đội viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, du khảo về nguồn, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc. Một số trường học tăng cường lồng ghép các hoạt động giới thiệu truyền thống, văn hóa dân tộc vào các buổi sinh hoạt dưới cờ để đông đảo học sinh được tham gia; tổ chức các buổi sinh hoạt theo chủ đề theo từng giai đoạn của năm học. Từ đầu năm học 2021 - 2022, do dịch bệnh Covid-19, học sinh không đến trường, các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương không vì thế mà dừng lại, Trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 4, huyện Vĩnh Thuận đã thay đổi hình thức từ trực tiếp qua trực tuyến, đó là đăng tải các hình ảnh về địa phương, truyền thống lịch sử trên website, trang fanpage, zalo của nhà trường, tổ chức các buổi tuyên truyền trực tuyến qua phần mềm Google Meet.

Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần tư tưởng đó, những năm qua, nhiều nơi tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, nói chuyện truyền thống tại trường học. Qua những gương người thật, việc thật và những câu chuyện “truyền lửa”, đã giúp nhiều bạn trẻ có nhận thức sâu sắc về tình yêu nước, ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình nỗ lực học tập thật tốt để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Điển hình là Hội Cựu chiến binh thành phố Rạch Giá và Hội Cựu chiến binh, Đoàn phường Vĩnh Lạc phối hợp với Trường THCS Chu Văn An tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, giao lưu nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng tại Trường THCS Chu Văn An, thành phố Rạch Giá - CTV

Trong thời gian qua, tỉnh chú trọng định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước gắn với những sự kiện quan trọng của tỉnh, ngành, địa phương; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử bằng hình thức thi viết, sân chơi thanh niên, sân khấu hóa, kể chuyện, hái hoa dâng chủ... Những ngày cuối tháng 6/2022, Nhà thiếu nhi Kiên Giang tổ chức vòng chung kết Hội thi tìm hiểu kiến thức lịch sử Việt Nam, với chủ đề “Thiếu nhi Kiên Giang - Tiếp bước truyền thống anh hùng”, có hơn 100 thí sinh xuất sắc được tuyển chọn trong gần 4.000 thí sinh từ vòng thi cấp huyện. Tham gia vòng chung kết hội thi, các thí sinh trải qua 3 phần thi: Trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức, chủ đề “Nhà sử học tương lai”; thi kỹ năng gồm: kể chuyện, hoạt cảnh, vẽ tranh, hùng biện, và thi văn nghệ chủ đề “Vang mãi giai điệu sử ca”. Các sự kiện, lễ hội văn hóa, liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, tuyên truyền lưu động, hội thao phát huy hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ, khơi dậy niềm tự hào về một thời đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha anh để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đó, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong đoàn viên thanh niên.

Hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ gần 30.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh. Đây là nguồn tư liệu có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Nơi đây không chỉ hội tụ các di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng đất Kiên Giang, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan trong nước và quốc tế. Bảo tàng tỉnh đã kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc học lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua chương trình “Bảo tàng với học đường”, giúp đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên có cái nhìn toàn diện, sinh động hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng. Hình thành ở cộng đồng và thế hệ trẻ cách suy nghĩ khoa học, tiếp cận và góp phần giáo dục nhân cách, nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện cơ sở, các trường học tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, chiếu phim lưu động vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc; tri ân sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, cố gắng giữ gìn và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Các nội dung được thực hiện một cách linh hoạt, đa dạng thông qua các di tích lịch sử - văn hóa và nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, tạo ra môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành, phát huy tinh thần xung kích tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Quỳnh Như