
Ảnh minh họa
Việc tổ chức Liên hoan nhằm phát huy nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào Khmer; phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Để khởi động cho Liên hoan, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập Ban Tổ chức, thể lệ. Theo kế hoạch và thể lệ vừa được ban hành, mỗi huyện, thành phố thành lập một đội nghệ thuật truyền thống Khmer tham gia Liên hoan với 03 phần thi: Biểu diễn dàn nhạc Ngũ âm; trình diễn trang phục truyền thống và văn nghệ. Riêng huyện Gò Quao có thể thành lập từ 02 - 03 đội để tham dự Liên hoan.
Về phần thi biểu diễn nhạc Ngũ âm, các đội chủ động lựa chọn những tác phẩm âm nhạc dân gian, truyền thống Khmer Nam Bộ có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, con người, ca ngợi tình yêu tuổi trẻ dàn dựng thành tiết mục hòa tấu dàn nhạc Ngũ âm và biểu diễn một tác phẩm âm nhạc dân tộc Khmer, không quá 08 phút. Về phần thi trình diễn trang phục dân tộc, mỗi đội tham gia trình diễn 02 trang phục truyền thống Khmer Nam Bộ, gồm: tự chọn và trang phục lễ cưới truyền thống để giới thiệu những nét độc đáo của trang phục truyền thống dân tộc Khmer Nam Bộ. Về phần thi văn nghệ, mỗi đội xây dựng 02 tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ; quê hương, đất nước; ca ngợi truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng dân tộc Việt Nam trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Liên hoan còn là một trong những hoạt động nằm trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025.