
Năm 2007, lễ Ok-Om-Bok được nâng lên thành Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang và được tổ chức định kỳ hàng năm. Kể từ đó lễ hội được tổ chức ngày một quy mô hơn, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí; vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer cũng như bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Ngày hội là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Khmer, thể hiện đậm nét sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân tộc Kinh - Hoa - Khmer trên địa bàn tỉnh. Sau hai năm không tổ chức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XIV năm 2022 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Đến với Ngày hội năm nay, người dân và du khách không chỉ được hòa mình với các môn thể thao truyền thống độc đáo và sôi động; mà còn được thưởng thức các chương trình văn nghệ, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn.
Một trong những hoạt động sôi nổi và náo nhiệt nhất chính là giải Đua ghe ngo. Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, do đó ai cũng háo hức mong đến ngày hội để tham gia, cổ vũ. Dưới sông các đội đua hăng hái thi đấu, trên bờ là tiếng reo hò cổ vũ của người dân sẽ tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt và ấn tượng. Giải Đua Ghe ngo diễn ra từ ngày 08 - 09/11 tại sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao, các đội tham gia tranh tài các nội dung nam cự ly 800m, 1.200m và nam - nữ phối hợp cự ly 800m. Cờ ốc là một môn thể thao trí tuệ, thể hiện tính cách, khả năng tư duy, tầm nhìn và trình độ của mỗi người. Không những thế, chơi cờ ốc còn giúp người ta tăng cường, duy trì trí nhớ, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn. Giải Cờ Ốc diễn ra vào ngày 06/11 tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Quao. Sau nhiều năm không tổ chức, Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang diễn ra vào ngày 07 - 08/11 tại Trung tâm Thương mại huyện Gò Quao. Đây là một trong những hoạt động thu hút nhiều người quan tâm nhất không chỉ góp phần làm phong phú thêm sắc màu ngày hội mà còn gìn giữ và phát huy nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào Khmer trong tỉnh.

Trong không khí tưng bừng của Ngày hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống hấp dẫn khác như: Lễ Cúng Trăng diễn ra vào tối ngày 08/11 tại khán đài sông Cái Lớn; thi làm giàn thủy lục đẹp, từ ngày 07 - 09/11 tại khu vực bờ sông Cái Lớn; biểu diễn văn nghệ của Đoàn Cải lương Nhân nhân Kiên Giang vào ngày 07/11 tại Trung tâm Thương mại huyện Gò Quao; hội chợ thương mại và trưng bày giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện Gò Quao và các đơn vị khác trong tỉnh, từ ngày 07 - 09/11 tại khu vực Quảng trường huyện Gò Quao; trưng bày, giới thiệu và triển lãm làng nghề truyền thống, những tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer, từ ngày 07 - 09/11 tại Công viên huyện Gò Quao; trưng bày giới thiệu sách, từ ngày 07 - 09/11 tại Công viên huyện Gò Quao; giải Bóng chuyền nam diễn ra từ ngày 04 - 06/11 tại Nhà thi đấu đa năng huyện Gò Quao; giải Bóng đá nam diễn ra từ ngày 04 - 06/11 tại Sân bóng đá Chí Nguyên, thị trấn Gò Quao.
Những ngày này không khí chuẩn bị cho Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hẳn lên. Các khâu chuẩn bị đang được thành viên BTC, các Tiểu ban, đơn vị ráo riết hoàn thành nhằm đảm bảo cho Ngày hội thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, ý nghĩa đề ra. Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 7 giờ 30 phút, ngày 08/11/2022 tại khán đài bờ sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao. Sau nghi lễ khai mạc, chương trình văn nghệ và thi đấu giải Đua ghe ngo, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang.

Với những nghi lễ mang đậm văn hóa truyền thống và những hoạt động của phần hội sôi nổi, hấp dẫn, chắc chắn Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XIV năm 2022 sẽ là ấn tượng khó phai đối với người dân và du khách đến tham gia ngày hội. Sự kiện là điểm nhấn quan trọng về phát triển VHTTDL của tỉnh; là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đây còn là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.