
Họp mặt, giao lưu các văn nghệ sĩ tại Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giúp đội ngũ cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ trong tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tư tưởng và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Các hoạt động sáng tạo trên từng lĩnh vực cụ thể như: văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số... trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ năm 2008 đến nay đã đạt được những kết quả, hiệu quả xã hội tốt. Điều đó thể hiện ở số lượng tác phẩm có tăng hơn so với trước; chất lượng chuyên môn nghệ thuật cũng được nâng cao; đề tài, nội dung phong phú đa dạng hơn; phương pháp sáng tác có nhiều sáng tạo đổi mới theo hướng hiện đại. Đây là những sự tìm tòi thể hiện trong tác phẩm rất đáng trân trọng của các tác giả ở Kiên Giang. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã có sự chuyển đổi hình thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 302 hội viên đang sinh hoạt tại 8 phân hội, trong đó hội viên quốc gia là 86 hội viên.
Trung bình mỗi năm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức từ 1 - 3 lớp bồi dưỡng sáng tác, từ 1 - 3 trại sáng tác, có từ 3 - 5 chuyến đi thực tế sáng tác theo chuyên ngành; xuất bản 06 đầu sách, tổ chức 04 cuộc triển lãm ảnh, mỹ thuật; duy trì 5 cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, gồm các cuộc thi ảnh, sáng tác văn học, sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ, thi sáng tác với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thường xuyên xây dựng chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm về âm nhạc, sân khấu, tác phẩm múa bằng hình thức biểu diễn chương trình nghệ thuật tại chỗ kết hợp giới thiệu, quảng bá tác phẩm cho hội viên thông qua Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang. Tạp chí Chiêu Anh Các là cơ quan lý luận, phê bình và tiếng nói của văn nghệ sĩ Kiên Giang những năm gần đây được chú trọng cải tiến từ nội dung đến hình thức, duy trì xuất bản thường kỳ 2 tháng 1 số, phát hành được 6.000 cuốn/năm. Những hoạt động này tạo điều kiện khơi dậy tính sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, tích cực sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tham gia các cuộc thi và nhiều hội viên có tác phẩm đạt giải cao ở các cuộc thi sáng tác cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Kiên Giang - Đất nước - Con người” tại Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá
Trong những năm qua công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối tốt. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật truyền thống của dân tộc. UBND tỉnh đã ban hành một số đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh như: Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt nhiều ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch. Ngành Văn hóa và Thể thao đưa vào phần hội nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng đối với nhân dân trong tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Thư viện tỉnh phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thực hiện tốt công tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về chủ đề đất và người Kiên Giang tại các lễ hội, trung bình mỗi cuộc triển lãm có trên 100 tác phẩm ảnh, thu hút đông đảo người đến xem. Hàng năm, ngành Văn hóa tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, thu hút nhiều giới công chúng tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, và là nơi ươm mầm và phát triển nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật. Trung tâm Văn hóa tỉnh sáng tác, dàn dựng từ 10 đến 20 tác phẩm nhạc, múa, sân khấu để biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhân dân; tổ chức từ 40 đến 60 chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật phục vụ tại chỗ và cơ sở theo chủ đề như: Xây dựng Đảng và học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới. Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer dàn dựng hàng chục chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội kỷ niệm 61 năm Ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng năm 2023 tại huyện Hòn Đất
Để công tác tuyên truyền, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đạt hiệu quả cao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang thực hiện Tạp chí Văn học - Nghệ thuật; chuyên mục Văn hóa, Thể thao và Gia đình trên sóng phát thanh truyền hình; phối hợp với Báo Kiên Giang xây dựng chuyên trang Văn hóa - Nghệ thuật đăng tải, quảng bá các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, ca cổ, văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật của hội viên và một số hoạt động khác theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Có thể nói Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật phát triển, kích thích sự sáng tạo, cống hiến của lực lượng văn nghệ sĩ trong tỉnh, qua đó góp phần định hướng tư tưởng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Song nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Việc xuất bản các tác phẩm còn ít, số lượng phát hành chưa nhiều. Công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật chưa rộng khắp. Công tác lý luận phê bình đã có sự quan tâm hơn nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Việc chăm bồi, phát triển hội viên còn chậm, chưa vững chắc, chưa thật sự quan tâm phát hiện, chăm bồi lực lượng sáng tác trẻ; các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tích cực tuyên truyền, phản bác các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực sáng tạo, chuyển giao, truyền nghề và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, phổ biến tác phẩm. Quan tâm đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, phát triển hội viên mới có chất lượng. Từ đó củng cố vai trò của tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.