
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, huyện Tân Hiệp năm 2019
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, điểm hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù. Là người Việt Nam dù quần tụ nơi đất mẹ hay ở xa Tổ quốc muôn trùng, ai cũng luôn hướng về Giỗ tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, tri ân công lao dựng nước mở nghiệp sơn hà của các Vua Hùng.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa này đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, ngày Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Ngày 06/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2001, Chính phủ quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Theo đó, Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch chính thức trở thành ngày Quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, huyện Tân Hiệp
Theo dòng chảy của những người di dân vào miền Nam lập nghiệp, đã có nhiều ngôi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây dựng. Tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, những người con Lạc cháu Hồng nhớ về nguồn cội cũng lập nên ngôi đền thờ Quốc tổ Vùng Vương để bày tỏ lòng thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng. Ngôi đền được thành lập từ năm 1957 do người dân tự nguyện đóng góp vào xây dựng để thờ cúng các vị Vua Hùng, nhớ về tổ tiên. Từ khi được thành lập ngôi đền luôn được nhân dân giữ gìn bảo vệ, tôn tạo. Đến năm 2004, ngôi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ khi “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì công tác bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Kiên Giang lại được tăng cường hơn, cụ thể hóa bằng việc triển khai Dự án “Trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng Đền Hùng Tân Hiệp”, đến nay đền có diện tích 20.000 m2.
Cùng với các địa phương trên cả nước, nhân dân tại huyện Tân Hiệp cũng tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm với tính chất và quy mô ngày càng lớn hơn, trang trọng hơn. Bên cạnh các nghi lễ tôn nghiêm tưởng nhớ đến các Vua Hùng, là nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức về nguồn cội dân tộc; thu hút đông đảo khách đến viếng và tham quan Đền Hùng, vừa duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa giới thiệu quảng bá các đặc sản địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh. Hàng năm, Di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng đã đón hàng ngàn lượt khách về thăm viếng, số lượng khách tham quan du lịch không ngừng tăng lên.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, huyện Tân Hiệp, diễn ra từ ngày 27 đến 29/4/2023 (nhằm ngày mùng 8 đến mùng 10/3 âm lịch), với nhiều hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn dân tộc như dâng hương, lễ viếng, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời”; giao lưu Đờn ca tài tử; hội thi nấu bánh chưng, cắm hoa nghệ thuật; triển lãm tem; triển lãm sách và hình ảnh về Hùng Vương; giải Bóng chuyền tỉnh; giải Cờ tướng; dưỡng sinh người cao tuổi và các trò chơi dân gian; trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Với kinh nghiệm tổ chức Giỗ Tổ từ nhiều năm và sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn Lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 được UBND huyện Tân Hiệp tổ chức thành kính, trang trọng và hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân về dự.