TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Văn hóa nghệ thuật

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về văn học, nghệ thuật

(11:44 | 22/05/2023)

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X), tỉnh Kiên Giang đã triển khai, cụ thể hóa thực hiện hiệu quả. Từ đó vai trò của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh ngày càng được khẳng định, phát huy; văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Chương trình nghệ thuật Giới thiệu tác giả - tác phẩm tổ chức tại huyện Hòn Đất

Từ năm 2008 đến nay, để chủ động xây dựng nguồn nhân lực và khuyến khích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, bình quân mỗi năm tỉnh tổ chức, liên kết đào tạo từ 8 - 10 lớp, mỗi lớp có từ 30 - 50 học viên, bao gồm các chuyên ngành: Quản lý văn hóa, âm nhạc, mỹ thuật, múa, biên đạo dàn dựng múa, đờn ca tài tử, cải lương,... Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức từ 01- 03 trại sáng tác, từ 03 - 05 chuyến đi thực tế sáng tác theo chuyên ngành; từ 05-10 cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, thu hút trên 200 tác phẩm, trên 120 tác giả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, sử dụng các sáng tác bằng nhiều hình thức như: Bình quân mỗi năm Tạp chí Chiêu Anh Các xuất bản 6.000 cuốn/6 kỳ/năm; triển lãm, giới thiệu tác giả - tác phẩm từ 02-04 cuộc, xuất bản từ 04-06 đầu sách; thông qua các hoạt động Ngày thơ Việt Nam gắn với kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các hàng năm; liên kết với Báo Kiên Giang thực hiện chuyên trang Văn hóa Nghệ thuật (tuần/1 kỳ); thực hiện Tạp chí Văn học Nghệ thuật trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang (02 tháng/1 kỳ)… với hàng ngàn lượt tuyên truyền, thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem, tìm hiểu. Ngoài ra, tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân và hội viên vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm, in ấn xuất bản...

Việc phát triển văn học, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh, như: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử; Đề tài sưu tầm, bảo tồn “Dây đờn Rạch Giá”; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;… Từ năm 2007 Lễ hội Ok-om-bok đã trở thành “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang”, qua đó nhiều giá trị loại hình văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khmer được phát huy, như: Nghệ thuật kiến trúc chùa tháp, nghệ thuật múa, âm nhạc truyền thống…, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, thưởng thức; góp phần làm cho bức tranh văn hóa của Kiên Giang ngày càng trở nên đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhân dân.

Công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, lịch sử, con người Kiên Giang thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật được chú trọng, tỉnh đã tăng cường các hoạt động giao lưu, liên kết, tham gia, đăng cai tổ chức các giải thưởng cấp khu vực, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, đội ngũ văn nghệ sĩ đã phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực sáng tác, có nhiều tác phẩm chất lượng, đạt giải thưởng cao; bình quân mỗi năm đạt trên 30 huy chương các loại.

Việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đảm bảo được tính kế thừa và nâng cao chất lượng; tập trung phát triển hội viên trẻ, hội viên nữ, hội viên người dân tộc. Bình quân mỗi năm phát triển mới từ 15 hội viên cấp tỉnh, đến nay cấp tỉnh có 305 hội viên của 08 phân hội chuyên ngành (Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Múa, Mỹ thuật, Văn nghệ Dân gian); có 86 hội viên quốc gia tham gia ở 07 Hội chuyên ngành (trong khi năm 2008 chưa có). Riêng cấp huyện, có 07 Hội văn học nghệ thuật (Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Gò Quao, Giang Thành, Rạch Giá, Tân Hiệp), với gần 150 hội viên và trên 300 tổ, đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử với hơn 1.700 người tham gia. Qua đó, đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ không chuyên hoạt động ở cơ sở, góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng, vừa bảo tồn, giữ gìn phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc ở địa phương, vừa đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, và từng bước bổ sung nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Chương trình nghệ thuật Ngày Thơ Việt Nam năm 2023

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, lĩnh vực văn học, nghệ thuật tỉnh Kiên Giang có nhiều chuyển biến tích cực; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong nền tảng tinh thần của xã hội. Nhiều hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hội viên, văn nghệ sĩ và người không chuyên tham gia ngày càng nhiều; chất lượng sáng tác ngày càng được khẳng định, có nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật; nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài nước; từng bước đưa văn học, nghệ thuật của tỉnh phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Phát huy kết quả đó, thời gian tới, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, hội viên, văn nghệ sĩ có chuyên môn giỏi, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quê hương, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; xây dựng hoàn thành Giải thưởng văn học, nghệ thuật cấp tỉnh, định kỳ 5 năm/1 lần để tôn vinh các tác giả có tác phẩm giá trị, cũng như công sức cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh; khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực sáng tạo, chuyển giao, truyền nghề và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Trần Quốc Giang - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy