TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Hoạt động bảo tồn bảo tàng

Xem với cỡ chữAA

Xây dựng đề án, hồ sơ khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

(12:21 | 10/12/2021)

UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương cho Sở Văn hóa và Thể thao lập các đề án, hồ sơ khoa học và biên soạn, phát hành sách quảng bá, giới thiệu về lễ hội tiêu biểu của tỉnh nhằm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong việc lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khảo cổ học, mở rộng quy mô tổ chức và kết hợp tuyên truyền, quảng bá các lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Thời gian thực hiện trong năm 2022.

Di sản khảo cổ học trên địa bàn Kiên Giang chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và đời sống văn hóa của địa phương. Giá trị của di sản khảo cổ là một trong những cơ sở khoa học để góp phần khẳng định lịch sử hình thành dân cư, dân tộc góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong 20 năm trở lại đây, tỉnh đã phát hiện nhiều loại hình di sản văn hóa, trong đó có di tích khảo cổ học. Hệ thống di chỉ khảo cổ học nằm trên đất liền thuộc địa phận huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Giang Thành, Vĩnh Thuận và dưới biển thuộc thành phố Phú Quốc, Thổ Châu. Đến nay, đã ghi nhận có 15 di chỉ, trong đó có 03 di chỉ được công nhận di tích. Việc thực hiện Đề án “Nghiên cứu, bảo tồn và khai thác giá trị các di sản khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm nghiên cứu, khảo sát, hệ thống hóa thông tin, tài liệu hệ thống di chỉ khảo cổ để đề xuất giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản; thiết lập hệ thống điểm du lịch di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong 10 danh thắng du lịch nổi tiếng Việt Nam, được người xưa ví là "thập cảnh thiên phú", với nhiều phong cảnh non nước hữu tình, vùng đất Hà Tiên đã làm rung động nhiều trái tim của giới văn nghệ sĩ, có lẽ chính vì thế mà cách đây 285 năm, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), tại trấn Hà Tiên đã xuất hiện một hiện tượng văn học được đánh giá là độc đáo, đó là sự ra đời Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích, tự Sĩ Lân, vị Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ sáng lập và đứng ra làm chủ súy. Tao đàn ra đời đã quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ và để lại cho đời những áng văn chương lừng danh. Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động sản xuất của người dân miền biên ải; đồng thời giáo dục, cổ vũ động viên người dân nâng cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước.

Hằng năm, vào dịp tết Nguyên tiêu tại Hà Tiên, hàng trăm ngàn người dân được đắm mình trong không gian Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Đây là một trong những lễ hội nằm trong chuỗi các sự kiện lễ hội tiêu biểu của tỉnh được thành phố Hà Tiên duy trì tổ chức trong nhiều năm qua. Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là một hoạt động truyền thống nhằm tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của Tao đàn Chiêu Anh Các; đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với công lao của các bậc tiền nhân. Đây còn là dịp để Hà Tiêng tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, tạo sự kiện để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến tham quan và tìm hiểu vùng đất Hà Tiên. Mỗi năm, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các đều để lại ấn tượng tốt đẹp và tình cảm nồng nàn cho du khách. Với những ý nghĩa đó, Sở VHTT lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời xây dựng Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các.

 

Trải qua nhiều thập kỷ, các lễ hội ở Kiên Giang đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân. Cho đến nay, nhiều lễ hội vẫn giữ được những nghi thức, hình ảnh dân gian rất đặc trưng, thể hiện đúng ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, từ đó ra sức xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cũng vì lẽ đó, các lễ hội đã và đang trở thành thương hiệu, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát huy lợi thế lễ hội để phát triển các loại hình du lịch văn hóa; trong đó có nhiều lễ hội được tổ chức thường niên, gây tiếng vang như: Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương - huyện Tân Hiệp, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer, Lễ hội Nghinh Ông - Lại Sơn - Kiên Hải… Năm 2022, Sở VHTT biên soạn và phát hành sách quảng bá, giới thiệu về các lễ hội tiêu biểu của tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân và du khách có thể tìm hiểu thêm về di sản lễ hội của tỉnh.

Cũng trong năm 2022, Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Và việc xây dựng các đề án, hồ sơ khoa học nêu trên cũng nằm trong những nội dung thực hiện kế hoạch nhằm bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa của tỉnh.

Quỳnh Như