
Dự án “Bảo tồn và phát triển ấp văn hóa truyền thống dân tộc Khmer” được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 24/8/2010, với quy mô 10.700m2. Dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer như trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, kiến trúc..., góp phần xây dựng nếp sống văn minh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo điều kiện cho ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành trở thành điểm nhấn để phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái một cách bền vững.
Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, nội dung và quy mô đầu tư, bao gồm: Bảo tồn văn hóa phi vật thể (các lễ hội, các nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Khmer, các giá trị văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật trình diễn Khmer truyền thống) và văn hóa vật thể (cảnh quan, không gian cư trú, sinh hoạt bằng cách phục dựng các hạng mục công trình theo kiến trúc người Khmer. Các hạng mục đầu tư chính gồm: Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng: 187m2; nhà truyền thống mẫu 1: 153m2; nhà truyền thống mẫu 2:105m2; nhà ghe ngo: 9,75m2; nhà vệ sinh, bể nước ngầm, không gian cảnh quan...
Trong quá trình triển khai, gói thầu số 4 chi phí thiết bị bảo tồn văn hóa phi vật thể do mang tính đặc thù của công trình văn hóa phải sưu tầm các hiện vật thể hiện về văn hóa, tôn giáo, lao động sản xuất... trong nhân dân tại nhiều địa phương trong tỉnh nên tốn rất nhiều thời gian để thực hiện, do đó phải điều chỉnh danh mục cho phù hợp. Đồng thời bổ sung thêm hạng mục cải tạo, sửa chữa nhà trưng bày và xây dựng mới nhà quản lý điều hành để đảm bảo an ninh trật tự và thuận lợi cho công tác quản lý khu vực dự án. Vì vậy, dự án được điều chỉnh thời gian kết thúc đến năm 2021 nhưng không tăng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Việc đầu tư, xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển ấp văn hóa truyền thống dân tộc Khmer” là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào Khmer. Đây là không gian cho người dân đến sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và thắt chặt thêm tình đoàn kết; đồng thời là nơi sưu tầm, lưu trữ, và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.