
Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn
Trong đó quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập về lịch sử, hoạt động bảo tồn di sản, đền ơn đáp nghĩa. Công tác xã hội hóa hoạt động ở các di tích đạt được những kết quả nhất định, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện Hòn Đất hiện có 06 di tích được xếp hạng, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia và 03 di tích cấp tỉnh. Di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn (Hòn Me, Hòn Đất, Hòn Quéo) được trùng tu, tôn tạo vào năm 1997, gồm các hạng mục như: Mộ chị Phan Thị Ràng, Tượng đài chiến thắng, Điện Mặt Trăng, Nhà trưng bày, hang Quân Y, hang Bảy Trà, hang Huyện Ủy... với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng, riêng tại hang Quân Y, Hội Cựu Quân dân y tỉnh đã vận động kinh phí trên 03 tỷ đồng xây dựng Bia tưởng niệm Quân dân y. Năm 2020 đến nay, di tích được đầu tư sửa chữa nhà trưng bày, xây dựng nền sân trưng bày ngoài trời và hệ thống thoát nước với kinh phí gần 2,9 tỷ đồng. Ngoài ra, vận động tài trợ đầu tư một số hạng mục, với kinh phí 730 triệu đồng.

Đường lên tham quan các hang Hòn - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông
Di chỉ khảo cổ Nền Chùa được công nhận di tích cấp quốc gia năm 2004 là một trong những di tích khảo cổ học tiêu biểu của tỉnh về nền văn hóa Óc Eo - Phù Nam, lưu giữ nhiều loại hình di chỉ văn hóa như di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc tôn giáo, di chỉ mộ táng. Năm 2017, UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị Trung ương tiến hành lập Dự án khai quật Khu di tích khảo cổ học Nền Chùa tại xã Mỹ Phước. Đến nay công tác khai quật đã hoàn thành, các hiện vật và cơ sở vật chất bàn giao cho Bảo tàng tỉnh và địa phương quản lý. Di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật Khmer chùa Sóc Xoài là di tích cấp quốc gia được công nhận năm 1989, mang nét đặc trưng của dân tộc Khmer, một công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo mang dấu ấn của Phật giáo Nam tông Khmer. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo cơ bản vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Khmer. Di tích khảo cổ học Giồng Xoài, xã Mỹ Hiệp Sơn được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008. Nơi đây phát hiện hai loại hình di chỉ khảo cổ học đó là di chỉ kiến trúc tôn giáo và di chỉ cư trú thuộc văn hóa Óc - Eo.
Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, xã Sơn Kiên được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2014. Hiện nay, các hạng mục trong di tích được bảo quản khá tốt. Năm 2020, di tích được trùng tu, chỉnh trang với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Năm 2021, vận động nhân dân đóng góp tạc tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo bằng đồng mạ vàng với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Di tích lịch sử Chiến thắng Sóc Xoài, xã Mỹ Lâm được công nhận di tích cấp tỉnh 2011. Huyện đang đầu tư, sửa chữa và gần hoàn thiện các hạng mục chống xuống cấp với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Lễ dâng hương kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng - Ảnh: Thế Hạnh
Cùng với việc đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, huyện Hòn Đất quan tâm bảo tồn và phát huy các loại hình DSVH phi vật thể. Hiện nay, huyện có 53 loại hình DSVH phi vật thể đang được lưu truyền trong nhân dân; trong đó có 05 lễ hội gắn với di tích là tài sản vô giá trong kho tàng DSVH phi vật thể. Qua các hoạt động lễ hội góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn cao đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tín ngưỡng dân gian, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng được tổ chức từ ngày 07 - 09/01 hàng năm, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh tham gia. Đến nay lễ hội đã được công nhận là 01 trong 13 lễ hội, sự kiện tiêu biểu của tỉnh tổ chức hằng năm, tạo được ấn tượng tốt trong lòng công chúng. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng nhằm bảo tồn, bổ sung hoàn thiện nội dung tổ chức lễ hội và phát huy giá trị lễ hội góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Lễ Ok Om Bok, Sen Dolta, Chôl Chnăm Thmây là những lễ hội truyền thống và đặc trưng có từ lâu đời của đồng bào Khmer. Lễ giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo được tổ chức vào ngày 19 - 20/8 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để khơi dậy và giáo dục truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của ông cha ta, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy DSVH còn chưa tương xứng với giá trị của di sản; việc quản lý, bảo vệ di tích tại một số nơi còn chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá về hệ thống di tích, DSVH của huyện để phục vụ phát triển kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng cơ sở kỹ thuật, hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH; huyện Hòn Đất kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan xúc tiến thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng đô thị mới ven biển Thổ Sơn gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng các tuyến đường dẫn vào Di tích lịch sử khảo cổ học Nền Chùa tại xã Mỹ Phước và Giồng Xoài tại xã Mỹ Hiệp Sơn. Đồng thời kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao xúc tiến thực hiện lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn; phối hợp hoàn thiện Nhà trưng bày hiện vật tại Di tích khảo cổ học Nền Chùa để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhân dân.