TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Hoạt động bảo tồn bảo tàng

Xem với cỡ chữAA

Đề xuất xây dựng hồ sơ khoa học “Di sản tư liệu tác phẩm của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết”

(11:51 | 17/11/2022)

UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về việc xây dựng hồ sơ khoa học “Di sản tư liệu tác phẩm của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết” để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể loại tư liệu tiêu biểu.

Nhà thơ Đông Hồ, tên thật là Lâm Kỳ Phác, còn gọi là Lâm Tấn Phát, tự Trác Chi, sinh ngày 10/03/1906 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên cũ. Từ năm 1923 - 1933, ông tham gia hoạt động báo chí, cộng tác với nhiều tờ báo lớn trong nước. Đông Hồ viết nhiều thể loại: biên soạn, khảo cứu, ký sự, tùy bút được nhiều người biết đến. Ông cho xây dựng “Trí Đức học xá” (từ năm 1926 - 1934) là trường tư thục đầu tiên ở tỉnh Hà Tiên lúc bấy giờ. Ông chủ trương chuyên dạy toàn "tiếng Việt" (chữ quốc ngữ) trong trường để tôn vinh nền văn hiến của Việt Nam. Sự nghiệp hoạt động văn hóa của ông được xem như một nhà giáo ưu tú cho đến cuối đời. Ông tham gia cách mạng và giữ chức Ủy viên văn hóa của Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Hà Tiên. Sau năm 1954, ông chuyển lên Sài Gòn sinh sống và tham gia hoạt động nhiều phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc tại Sài Gòn. Ông đã hiến nhà sách Yiễm Yiễm Thư Trang của mình để làm văn phòng Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam kỳ làm việc. Năm 1964, Đông Hồ được mời làm giảng sư Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông mất ngày 25/03/1969, được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (Sài Gòn). Đến năm 1983, ông được cải táng đem về quê tại Hà Tiên. Cuộc đời và sự nghiệp của Đông Hồ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học có giá trị, được xem là nhà thơ, nhà văn hóa và là nhà giáo tiêu biểu của Nam Bộ.

Nhà thơ Mộng Tuyết, tên thật là Thái Thị Sửu, sinh ngày 09/01/1914 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên nay là tỉnh Kiên Giang. Năm 1926, bà bắt đầu tham gia sáng tác thơ văn và viết báo, đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng trên văn đàng Việt Nam. Bà cùng chồng là thi sĩ Đông Hồ tham gia nhiều phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc. Bà được mời tham dự nhiều hội nghị văn học ở nước ngoài. Năm 1995, bà trở về Hà Tiên xây dựng Nhà lưu niệm Đông Hồ tại nền nhà nghĩa học Trí Đức học xá cũ và chính thức trở về sinh sống tại đây cho đến khi qua đời vào ngày 01/7/2007. Nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã để lại hơn 153 tác phẩm văn học với nhiều thể loại. Ông và bà đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển văn hóa, giáo dục cho Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay, những tác phẩm, tài liệu, bút tích gốc của nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã được lưu giữ tại Nhà lưu niệm Đông Hồ (Hà Tiên). Tuy nhiên do tác động của thời gian, điều kiện bảo quản chưa phù hợp nên một số tài liệu đang bị hư hỏng và có khả năng mất đi. Bên cạnh đó, cô Lê Thị Thanh Hoa, người đang quản lý và trực tiếp giữ gìn kho tư liệu này, là nhân chứng sống duy nhất hiện nay tuổi đã cao sức yếu khó có thể tiếp tục thực hiện công việc bảo quản trên.

Nhằm góp phần triển khai thực hiện Công văn số 311/DSVH-QLT&TTL ngày 10/5/2021 của Cục Di sản văn hóa về việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; đồng thời sau khi lấy ý kiến thống nhất của các đơn vị, địa phương có liên quan; Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương xây dựng hồ sơ khoa học “Di sản tư liệu tác phẩm của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết” đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo số 1017/TB-VP ngày 11/11/2022 về ý kiến kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh, theo đó UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngọc Thy