TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Hoạt động bảo tồn bảo tàng

Xem với cỡ chữAA

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội

(12:02 | 22/11/2022)

Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vô cùng phong phú, đặc sắc, đa dạng và ngày càng thể hiện được vai trò, ý nghĩa quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Năm 2022 được xem là năm lĩnh vực di sản văn hóa có nhiều kế hoạch, dự án được triển khai thực hiện góp phần tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Khởi động cho năm 2022 và cả giai đoạn, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 16/5/2022 về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 nhằm bảo tồn các DSVH vật thể, di sản thiên nhiên, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, gìn giữ giá trị các DSVH phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa của tỉnh; nâng cao công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác đầu tư tu bổ, phục hồi, quản lý và phát huy các giá trị DSVH. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2022/QĐ-UBND ngày 05/7/2022 về ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, quy hoạch, đầu tư tu bổ, phục hồi, phát huy di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý, thuyết minh viên làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn; Sở VHTT tổ chức lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về di tích; bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh di tích.

Các DSVH vật thể và phi vật thể được bảo vệ tốt và đầu tư nhiều hơn về nhân lực và vật lực, phục vụ tốt cho công tác phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Các cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian được bảo quản, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Nhiều di tích đã được đầu tư, trùng tu, tôn tạo, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ được khôi phục và tham gia làm du lịch, làm đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản được đẩy mạnh với sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 56 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Trong quá trình hoạt động bảo tồn, gìn giữ DSVH, Bảo tàng Kiên Giang hàng năm đều lập kế hoạch và cử cán bộ đi sưu tầm hiện vật để bổ sung thêm tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Năm 2022, Bảo tàng sưu tầm hơn 500 hiện vật, nâng tổng số hiện vật lưu giữ, bảo quản trên 22 ngàn hiện vật. Đây là nguồn tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và khảo cổ về lịch sử vùng đất, con người Kiên Giang. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh thực hiện khá tốt chương trình”Bảo tàng với học đường”, làm phong phú, đa dạng thêm hoạt động bảo tàng. Năm qua, Bảo tàng tỉnh phục vụ hơn 11 ngàn lượt khách tham quan và tổ chức 05 cuộc trưng bày lưu động tại các lễ hội lớn của tỉnh và khu vực, phục vụ hơn 54 ngàn lượt khách tham quan.

Song song với việc bảo tồn DSVH vật thể, DSVH phi vật thể được phát huy. Sở VHTT sưu tầm được nhiều DSVH phi vật thể và truyền miệng khác như: Lễ hội truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; loại hình tập quán xã hội; loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; loại hình ngữ văn dân gian; loại hình tri thức dân gian và có 43 nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh,… góp phần tạo nên nền văn hóa  độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Kiên Giang nói riêng. “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, hướng đến xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể thế giới. Một số lễ hội trở thành tâm điểm, là một trong 14 sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu hàng năm của tỉnh được tổ chức trang trọng, nâng tầm cả về quy mô, chất lượng các hoạt động và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đảm bảo nội dung và hình thức hoạt động, ý nghĩa của từng lễ hội. Qua đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Tỉnh trình Bộ VHTTDL đưa “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực  Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)” vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; xây dựng “Đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các  - Hà Tiên”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành VHTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Trong năm 2023, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các Đề án: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang. Tham mưu UBND tỉnh lập các quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh quốc gia núi Bình San và phụ cận, thành phố Hà Tiên; bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Mo So, huyện Kiên Lương; bảo tồn và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Phú Quốc, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia Ba Hòn, huyện Hòn Đất; di tích lịch sử cách mạng Căn cứ U Minh Thượng… Điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích. Dự kiến tổ chức 04 lớp, gồm: Bồi dưỡng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, tổ chức và hoạt động đờn ca tài tử; bồi dưỡng múa truyền thống Khmer và truyền dạy đờn ca tài tử từ cơ bản đến nâng cao.

Ngọc Thy