TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Hoạt động bảo tồn bảo tàng

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang: Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer

(13:15 | 24/08/2023)

Đồng bào Khmer có các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các loại hình nghệ thuật truyền thống này đang được tỉnh Kiên Giang triển khai, tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh bảo tồn, phát huy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân; đồng thời giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer.

Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer - Thế Hạnh

Nhằm thực hiện mục tiêu lưu giữ, truyền thụ và phát huy nghệ thuật múa truyền thống Khmer. Từ ngày 10 đến 19/7/2023, Sở Văn hóa và Thể thao giao Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer, với sự tham gia của 68 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thuộc các ban, ngành cấp tỉnh; phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố.

Lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer nằm trong chương trình thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống nghệ tuật Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, gian đoạn 2021 - 2025” được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 17/5/2022. Mục tiêu của Đề án góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer; đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; khuyến khích phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tác giả Khmer kế thừa; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, kết hợp vận động xã hội hóa một cách hiệu quả.

Đội văn nghệ Khmer huyện Gò Quao trình diễn nhạc ngũ âm - Ngọc Thy

Cũng nằm trong nhiệm vụ của Đề án, vào tháng 11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tại huyện Gò Quao, có hơn 130 diễn viên, nghệ nhân đến từ 09 đội nghệ thuật truyền thống Khmer thuộc các huyện: Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành tham gia 03 phần thi: Biểu diễn dàn nhạc ngũ âm; trình diễn trang phục truyền thống và văn nghệ (hát, múa). Qua Liên hoan nhằm giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer cả về nhạc cụ và trang phục. Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tổ chức Hội thi “Duyên dáng Khmer và trình diễn nhạc ngũ âm” nằm trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV tại huyện Gò Quao.

Những năm qua, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Kiên Giang quan tâm đầu tư. Hàng năm đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, góp phần tôn vinh, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer được duy trì, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào Khmer. Phong trào văn hóa nghệ thuật trong đồng bào Khmer cũng diễn ra khá sôi nổi thông qua các liên hoan, hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật vào những dịp lễ, tết. Hạt nhân tích cực của phong trào này là Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và 10 đội văn nghệ quầng chúng Khmer đang hoạt động tại huyện Gò Quao, Giồng Riềng và thành phố Rạch Giá. Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh hàng năm biểu diễn phục vụ trên 70 xuất, có khoảng 15 ngàn lượt người xem. Hiện tỉnh Kiên Giang đã có 02 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc Khmer.

Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang – Ngọc Thy

Việc thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025” là một việc làm hết sức cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Nội dung của Đề án có nhiều nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Trong đó, xây dựng các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang; tổ chức trưng bày chuyên đề nghệ thuật truyền thống Khmer tại Bảo tàng tỉnh; mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa (trong đó ưu tiên mở các lớp cho đối tượng thanh thiếu niên Khmer về các loại hình nghệ thuật: Sân khấu Dù kê, ca múa dân gian Khmer, nhạc ngũ âm); từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất và người Kiên Giang... Với những hành động thiết thực này, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer đã, đang và sẽ được gìn giữ, phát huy sức sống trong đời sống hiện đại.

Hải Âu