
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang năm 2019
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang về công tác phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng gia đình Việt Nam vùng ĐBDTTS, phát triển tiềm năng du lịch và công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2018 - 2021, ba đơn vị đã chủ động, tích cực trao đổi thông tin, tham gia góp ý về những vấn đề liên quan đến ba ngành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, với mục tiêu tạo sự chuyển biến, khởi sắc trong vùng ĐBDTTS. Trọng tâm phối hợp hoạt động tuyên truyền, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án về xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch.
Qua đó các hoạt động, phong trào, nhận thức của ĐBDTTS có sự chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước cộng đồng ngày càng được nâng cao, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu, hạnh phúc, tham gia phát triển kinh tế, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình và cộng đồng; xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, tình trạng bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy lùi bất bình đẳng giới, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội; đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; giảm tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS từ 13,89% cuối năm 20216 còn 3,4% cuối năm 2020; từ 35 xã thuộc vùng khó khăn giảm xuống còn 26 xã; từ 06 xã thuộc Chương trình 135 giảm xuống còn 02 xã trên địa bàn tỉnh; có 49/70 xã vùng ĐBDTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể. Các cơ sở thờ tự theo tín ngưỡng dân gian được bảo quản, tôn tạo ngày càng khang trang; nhiều làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ được khôi phục và tham gia phục vụ du lịch như: Nghề đan cỏ bàng ở Giang Thành; nghề đan lục bình ở Giồng Riềng; nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất; nghề chằm lá dừa nước ở Hà Tiên,... góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch. Lập Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bản tỉnh, giai đoạn 2021-2025”.
Đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức ngày hội, hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng ĐBDTTS. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, duy trì, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa, thể thao; tiêu biểu là Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer ở huyện Gò Quao được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, mỗi năm thu hút trên 10 ngàn lượt đồng bào tham dự. Tranh thủ các nguồn vốn quan tâm đầu tư, xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; trang bị âm thanh, nhạc cụ, ghe ngo cho các đội văn nghệ, chùa Khmer trong tỉnh.
Ba đơn vị cũng tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức, nghệ nhân, người có uy tín, ĐBDTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tham gia thực hiện tốt công tác chăm lo ĐBDTTS phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện khơi dậy tiềm năng khai thác các dịch vụ du lịch ở vùng ĐBDTTS.

Trình diễn nghề nắn nồi Hòn Đất tại Lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, năm 2018
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh từng lúc chưa thật sự gắn kết, chưa kịp thời, hiệu quả mang lại chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động ĐBDTTS thực hiện nếp sống văn minh, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác xây dựng gia đình hạnh phúc tuy được quan tâm nhưng nhìn chung kết quả đạt được chưa như mong muốn. Việc khai thác các giá trị tài nguyên tại khu vực ĐBDTTS để xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách chưa nhiều; sự đầu tư khá khiêm tốn. Nguồn lực kinh phí đầu tư cho việc xây dựng đời sống văn hóa vùng ĐBDTTS chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn...
Những kết quả đạt được trong Chương trình phối hợp giữa ba đơn vị đáng ghi nhận, cũng là để ba bên cùng nhìn lại để xây dựng Chương trình phối hợp trong thực thi các nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở vùng ĐBDTTS giai đoạn tiếp theo, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai có hiệu quả hơn. Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở vùng ĐBDTTS trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trọng tâm là phối hợp triển khai có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.