TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang phấn đấu có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022

(17:55 | 17/02/2022)

Mục tiêu năm 2022, tỉnh Kiên Giang phấn đấu xây dựng thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nổng thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ảnh minh họa (Nguồn Radio Hòn Đất)

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi... ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, cùng với những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh có 116/116 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 100%). Tỷ lệ hộ nghèo từ 1,91% giảm còn 1,65%. Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 98,28%. Trong năm 2021, có 89/70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên (đạt 127,1% kế hoạch). Đến nay, toàn tỉnh có 107 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.

Trong năm 2021, tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 122% kế hoạch năm); đến nay có 90/116 xã đạt chuẩn, chiếm 77,6%. Có 19 xã đạt 15 tiêu chí trở lên, chiếm 16,4 %; có 7 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm 6%. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 18,2 tiêu chí/xã. Các huyện, thành phố cơ bản đạt từ 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên như: Tân Hiệp (10/10 xã), Giồng Riềng (18/18 xã), Gò Quao (10/10 xã), Vĩnh Thuận (7/7 xã), Hà Tiên (2/2 xã), Rạch Giá (1/1 xã), Kiên Lương (5/7 xã), Châu Thành (7/9 xã), U Minh Thượng (4/6 xã), Kiên Hải (2/4 xã), An Biên (5/8 xã), Hòn Đất (7/12 xã), An Minh (6/10), Phú Quốc (4/7 xã). Riêng huyện Giang Thành đạt 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (2/5 xã). Có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Hiệp, Giồng Riềng và Gò Quao; huyện Vĩnh Thuận và thành phố Hà Tiên đã hoàn tất hồ sơ báo cáo Hội đồng thẩm định Trung ương họp xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vĩnh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn. Thường xuyên phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến để nhân rộng. UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện các chỉ tiêu năm 2021; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Cần tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí theo kế hoạch, trong đó, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khai thác được lợi thế địa phương, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực; thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện chương trinh. Tiếp tục giữ vững và củng cố hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp/Ban Quản lý theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao năng lực trong công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả, chất lượng.

Các sở, ban ngành chức năng có liên quan thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung, tiêu chí thuộc ngành, đơn vị phụ trách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở cùng địa phương hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác giám sát, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư.

Quỳnh Như