
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2026 - Ảnh: Mỹ Linh
Với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở VHTT; đồng chí Nguyễn Thị Hoàn Xuân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Tham dự hội nghị còn có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện các đồng chí lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở VHTT, các Ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh.
Tại buổi lễ, LĐLĐ tỉnh và Sở VHTT đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và Sở VHTT về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục thể thao của công chức, viên chức, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2026.
Nội dung chương trình phối hợp nhằm phát huy kết quả chương trình phối hợp giữa hai cơ quan, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và sức khoẻ cho CNVCLĐ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2026, có 90% CNVCLĐ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực VHTT; 80% Công đoàn cơ sở phối hợp chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động VHTT cho CNVCLĐ, trong đó trên 90% công chức, viên chức và trên 50% công nhân lao động tham gia; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn danh hiệu “Cơ quan văn hoá”, “Đơn vị văn hoá”, “Doanh nghiệp văn hoá” hằng năm.
Nội dung chương trình, hai bên phối hợp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về xây dựng đời sống văn hoá; các phong trào thi đua do Công đoàn phát động; về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với nâng cao hiểu biết của đoàn viên, người lao động về pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; về vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn đối với công tác xây dựng đời sống văn hoá và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong CNVCLĐ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Xây dựng người cán bộ công chức trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và công tác xây dựng đơn vị văn hoá tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tích cực vận động CNVCLĐ tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, nâng cao cảnh giác chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu ý nghĩa truyền thống các ngày lễ, kỷ niệm; tìm hiểu chính sách, pháp luật; thường xuyên động viên CNVCLĐ có thói quen đọc sách, ý thức tự giác học tập, xem việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, tay nghề vừa là quyền lợi, vừa là nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan tâm tổ chức tốt các hoạt động VHTT quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh trong CNVCLĐ. Đặc biệt tổ chức giải bóng đá hoặc giải cầu lông CNVCLĐ mừng Đảng, mừng Xuân, Hội thao CNVCLĐ (mỗi năm tổ chức một lần); Hội diễn nghệ thuật quần chúng CNVCLĐ (hai năm tổ chức một lần). Ưu tiên tổ chức các hoạt động VHTT phục vụ công nhân lao động ở doanh nghiệp và các khu công nghiệp tỉnh (mỗi năm tổ chức ít nhất 01 hoạt động).
Tiếp tục đẩy mạnh vận động mỗi CNVCLĐ lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phục vụ tốt công tác, lao động sản xuất; đồng thời phát triển mô hình gia đình thể thao trong CNVCLĐ. Khuyến khích việc thành lập các đội văn nghệ, thể thao nồng cốt tại đơn vị để tham gia tốt các hoạt động VHTT cấp ngành, khu vực và toàn quốc. Triển khai nhân rộng các mô hình điểm về VHTT và gia đình trong CNVCLĐ như: bài tập thể dục giữa giờ, điểm sinh hoạt văn hóa, đám cưới tập thể, gia đình công nhân văn hóa. Quan tâm nâng cao hiệu quả việc khai thác Nhà thi đấu tại các địa phương nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của CNVCLĐ và quần chúng nhân dân. Gắn xây dựng thiết chế VHTT với xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại khu, cụm công nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu tại lễ ký kết chương trình phối hợp - Ảnh: Mỹ Linh
Hai bên chủ động xin chủ trương dự toán kinh phí, vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, Câu lạc bộ văn hóa, thể thao, phòng đọc sách, phòng truyền thống, phòng tập, sân tập thể dục, thể thao... phục vụ CNVCLĐ. Tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động xây dựng nếp sống văn hoá và môi trường văn hoá lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trọng tâm là thực hiện kỷ cương, dân chủ, đoàn kết; gương mẫu thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy lùi tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; xây dựng khuôn viên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xanh - sạch - đẹp, văn minh lịch sự, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tiếp tục phối hợp triển khai và nâng chất phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; xây dựng gia đình CNVCLĐ đạt chuẩn văn hoá, xem đây là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hằng năm, phối hợp tổ chức họp mặt biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu tỉnh Kiên Giang. Tổ chức từ 02 - 03 cuộc tập huấn, truyền thông, sinh hoạt chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình cho công nhân các khu công nghiệp. Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trong CNVCLĐ.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở VHTT đánh giá cao các đơn vị chuyên môn của hai bên chuẩn bị đầy đủ nội dung, chương trình làm việc cụ thể để ký kết và triển khai chương trình phối hợp làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục thể thao trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Sở VHTT và LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị tham mưu của hai bên chủ động phối hợp sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó cần xác định rõ từng phần việc, bố trí nguồn lực, sự phối hợp, người chịu trách nhiệm, đơn vị đóng vai trò làm đầu mối để liên hệ, theo dõi các hoạt động để chương trình phối hợp thiết thực, hiệu quả, từ đó tạo cơ sở để thúc đẩy các hoạt động có chiều sâu, góp phần phát triển phong trào VHTT của tỉnh nói chung và trong CNVCLĐ nói riêng.