TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ

(09:01 | 03/08/2022)

Sau hơn 07 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ban ngành, địa phương đã phối hợp thực hiện nội dung học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ và đạt được những kết quả tích cực; từ đó khuyến khích nhân dân đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu, học tập, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh có những kết quả cơ bản trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ được củng cố về cơ sở vật chất, phát triển về số lượng và đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, đảm bảo môi trường thân thiện, hữu ích, phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân học tập suốt đời, khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Hệ thống thư viện công cộng duy trì và củng cố, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, đa dạng các hoạt động để phục vụ bạn đọc. Trụ sở Thư viện tỉnh được đầu tư khang trang, đầy đủ tiện nghi, không gian nghiên cứu, học tập. Hàng năm, Thư viện tổ chức hoạt động sự kiện như: trưng bày, triển lãm, Hội Báo xuân; các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam và Ngày Sách và Bản quyền thế giới; các hoạt động tăng cường phục vụ thiếu nhi trong dịp hè; tăng cường công tác tuyên truyền phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn; các cuộc trưng bày, giới thiệu sách theo chuyên đề; thường xuyên luân chuyển sách báo xuống cơ sở. Số lượng bạn đọc đạt trên 25 ngàn lượt/năm đối với thư viện cấp tỉnh và có khoảng 25% người dân sử dụng dịch vụ thư viện; đối với cấp huyện, thành phố có 80% thư viện có tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập internet miễn phí và 50% thư viện có trụ sở riêng khang trang, đầu tư công nghệ thông tin trong công tác thư viện và trang thông tin điện tử mở các dịch vụ trên mạng để người dùng truy cập, lượng bạn đọc khoảng 15 ngàn lượt/năm/thư viện. Thư viện tỉnh tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Hội thi Nét vẽ mùa xuân và triển khai hiệu quả việc phục vụ lưu động bằng xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện.

Trong hoạt động bảo tàng, Bảo tàng tỉnh thường xuyên đổi mới, tăng cường tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày hiện vật, hình ảnh phục vụ nhu cầu giáo dục, học tập, nghiên cứu tại bảo tàng và các điểm triển lãm lưu động vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa góp phần giới thiệu quảng bá giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương đến đông đảo công chúng. Bảo tàng tỉnh hiện có gần 23 ngàn hiện vật. Từ năm 2014 đến năm 2021, trưng bày cố định phục vụ trên 45 ngàn lượt khách tham quan; trưng bày lưu động được 35 chuyên đề, có trên 225 ngàn lượt khách tham quan. Bảo tàng tỉnh tổ chức chương trình “Bảo tàng với học đường”, với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Trải nghiệm tại bảo tàng, học sinh, sinh viên không chỉ được bổ sung kiến thức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo hứng khởi theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”.

Hệ thống Trung tâm văn hóa, câu lạc bộ được quan tâm đầu tư xây dựng, hình thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả trong công tác duy trì, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, từng bước mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, nâng cao thể lực, sức khỏe, phát triển thể chất của người dân. Qua đó tạo không gian văn hóa lành mạnh, vừa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí, sáng tạo, vừa là nơi truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gop phần vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống xã hội. Hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đa dạng về các loại hình, cách thức thể hiện, phương thức tổ chức, hướng dẫn và tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ các sự kiện của địa phương. Cùng với sự hình thành của hệ thống thiết chế văn hóa là sự ra đời của các câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, theo sở thích đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đời sống xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho nhân dân, tạo lối sống lành mạnh, có ý thức, có văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có trên 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng ở các xã, phường, thị trấn với gần 03 ngàn người tham gia, sinh hoạt từ 03 - 05 buổi/tháng, kinh phí từ các thành viên tham gia tự đóng góp để duy trì hoạt động; 455 câu lạc bộ thể thao từng môn và 82 câu lạc bộ thể thao đa môn, với số đội thể thao trong tỉnh lên tới 02 ngàn đội với đủ mọi lứa tuổi.  

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số khó khăn như: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết chưa đảm bảo, chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các mục tiêu của Đề án; nguồn kinh phí thực hiện còn eo hẹp, phải lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ chính trị của địa phương nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là các thiết chế ở cấp huyện và cấp xã. Cán bộ công tác lĩnh vực phong trào văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu vị trí công việc, trình độ điều hành, tổ chức hoạt động còn hạn chế.

Trước thực trạng trên, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để tiếp tục đổi mới hoạt động giáo dục phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt, với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên cơ sở Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được từ năm 2014 đến năm 2020 trong việc triển khai thực hiện Đề án; Hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" và đã gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa góp ý hồ sơ dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quỳnh Như