
Thầy giáo Đàm Thanh Lạc (đứng thứ 4 từ phải qua) nhận giải Ba tại Cuộc thi
Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) năm 2022 và Kế hoạch triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Kết luận 76-KL/TW và Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả là thước đo của công tác phổ biến giáo dục pháp luật và là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật, Bộ VHTTDL đã tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”.
Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trên phạm vi cả nước nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Qua hơn 5 tháng phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 1.015 bài dự thi gồm 190 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như: tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), lực lượng Bộ đội Biên phòng (166 bài)… Cuộc thi không chỉ đa dạng về vùng miền, đa dạng về thành phần tri thức, độ tuổi mà còn có sự đa dạng về dân tộc như dân tộc Kinh, Tày, Hoa, Khmer, Mường,…
Ban Tổ chức đã chọn và trao giải thưởng cho 11 cá nhân và 10 tập thể xuất sắc nhất. Ban Tổ chức cũng tặng Bằng khen cho 03 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng Cuộc thi là Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh; Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau. Trong đó, mô hình tổ chức cuộc thi “Hùng biện dưới cờ” nhằm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh THPT của thầy giáo Đàm Thanh Lạc đạt giải Ba tại Cuộc thi.
Mô hình đã được áp dụng cho học sinh của Trường THPT huyện Giồng Riềng từ năm học 2019. Qua cuộc thi “Hùng biện dưới cờ”, bản thân tôi nhận thấy nhà trường đã thay đổi cách tiếp cận mới trong công tác giáo dục, tuyên truyền: không theo lối mòn cũ, giáo dục, tuyên truyền một chiều “Thầy - Trò”, mang tính áp đặt mà đã thay đổi thành phương pháp giáo dục có tính tương tác “Trò - Trò” một cách tự nhiên và hiệu quả. Cuộc thi cũng góp phần làm sinh động hơn tiết chào cờ đầu tuần, góp phần vào việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học hạnh phúc” mà nhà trường đang nỗ lực thực hiện.
Qua thời gian triển khai trong 04 năm học qua (từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2022 - 2023) đã có 92 tiết mục hùng biện của học sinh các lớp khối 10, 11, 12 trình bày dưới cờ và bình quân mỗi tuần có hơn 1.500 học sinh được nghe các vấn đề nóng bỏng liên quan đến lứa tuổi học đường như: An toàn giao thông, văn hóa giao thông; tác hại và biện pháp phòng chống ma túy đá; vấn đề bạo lực học đường; văn hóa giao tiếp, ứng xử trong giới trẻ; tác hại nghiện games online; yêu sớm ở tuổi học trò; tuyên truyền chống rác thải nhựa; an toàn khi sử dụng mạng xã hội...
Nhiều năm qua, thầy giáo Đàm Thanh Lạc được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở và cấp tỉnh. Thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2021, thầy được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba.