
Ảnh minh họa
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, có ít nhất 04 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, định hướng 5 sao. Đến năm 2030, có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.
Về giải pháp thực hiện, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn về Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; gắn với nội dung của Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Tạo điều kiện để các địa phương hình thành các mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Tăng cường các hoạt động tư vấn, xúc tiến đầu tư, quảng bá hoạt động du lịch nông thôn để các điểm tài nguyên tiềm năng trở thành điểm du lịch. Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đảm bảo số lượng, chất lượng.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Định hướng xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP. Mở rộng liên doanh liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm đối tác để thúc đẩy du lịch phát triển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch.
Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng thương hiệu cho du lịch nông thôn dựa trên giá trị cốt lõi, nhu cầu thị trường và sản phẩm địa phương (OCOP). Xây dựng bản đồ du lịch nông thôn, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, hiệu quả để quảng bá các dịch vụ du lịch của địa phương. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đối ứng xã hội hóa; phân bổ nguồn vốn theo nội dung và theo từng năm.