TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Hướng dẫn mô hình trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

(10:22 | 16/01/2023)

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp…, tỉnh Kiên Giang nói riêng, nhiều địa phương trên cả nước nói chung đã xây dựng, triển khai thực hiện mô hình văn hóa tiêu biểu ở cơ sở, xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua việc phát huy ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương; quy chế của cơ quan, đơn vị, quy tắc ứng xử nơi công cộng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý; có trách nhiệm với xã hội và ý chí, khát vọng vươn lên.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2022, triển khai thực hiện chủ đề công tác năm “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, ngành VHTTDL đã tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa cơ sở với mục tiêu làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển năng lực sáng tạo thông qua việc phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Qua đó, đời sống tinh thần, thể chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền từng bước được thu hẹp; hoạt động văn hóa cơ sở, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, TDTT được đổi mới và nâng cao chất lượng, thu hút các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, góp phần để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, thực chất.

Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và hướng dẫn triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa tại gia đình, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp…, nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện mô hình văn hóa tiêu biểu ở cơ sở, xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua việc phát huy ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương; quy chế của cơ quan, đơn vị, quy tắc ứng xử nơi công cộng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý; có trách nhiệm với xã hội và ý chí, khát vọng vươn lên. Sự lớn mạnh và lan tỏa của các mô hình cho thấy chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ở địa phương đã vào cuộc tích cực, đội ngũ cán bộ ở cơ sở gương mẫu, đi đầu, phát huy năng lực chủ động tổ chức đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Các mô hình đã khẳng định được sức sống bền vững, không chỉ dừng ở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, mà còn góp phần phát triển kinh tế, thu hút xã hội hóa, nhiều mô hình xây dựng thành điểm đến văn hóa du lịch của địa phương.

Qua tổng hợp từ các địa phương về hiệu quả triển khai thực hiện, Cục Văn hóa cơ sở đã giới thiệu, hướng dẫn một số mô hình tiêu biểu thuộc các nhóm, lĩnh vực, cũng như phương thức triển khai, xây dựng, tổ chức thực hiện.

Về nhóm các mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả, gồm 7 nhóm sau:

Nhóm mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương, vùng, miền…

Nhóm mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: sản xuất các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm tuyên truyền bằng video để phát trên môi trường số, đa dạng hình thức, phát triển văn hóa đọc (cà phê sách, thư viện số, thẻ đọc trực tuyến…); tổ chức các cuộc thi trực tuyến, chương trình livestream trên mạng xã hội nhằm đa dạng sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân.

Nhóm mô hình đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT: tổ chức các hội diễn, hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng; xây dựng đề án sân khấu truyền hình…

Nhóm mô hình xây dựng các bộ quy tắc ứng xử nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tập thể trong cộng đồng; phát triển các hội quán nói cho nhau nghe, nghe nhau nói, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa; sân khấu hóa các nội dung truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình…

Nhóm mô hình vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng đội ngũ trưởng thôn thân thiện…

Nhóm mô hình về phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài…

Nhóm mô hình xây dựng câu lạc bộ sở thích: Xây dựng đường giao thông nông thôn; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch đẹp; Khu dân cư không có ma túy; Ánh sáng an ninh; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Chiến dịch thanh niên tình nguyện; Liên thế hệ giúp nhau làm kinh tế; Người cao tuổi nêu gương sáng; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Gia đình hạnh phúc; Không sinh con thứ 3 trở lên; Phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giỏi việc nước, đảm việc nhà…

Đối với phương thức triển khai, xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình, cần tập trung: Tham mưu, đề xuất trình ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở…; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc thù văn hóa xã hội của địa phương. Xây dựng các mô hình: chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ thiết chế văn hóa cùng với huy động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện hoạt động; thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; lựa chọn gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong nhiều lĩnh vực để truyền thông sâu rộng, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, chính quyền các cấp cần quan tâm sát sao, khuyến khích ủng hộ, kịp thời sơ kết, biểu dương, nhân rộng. Các mô hình phải do nhân dân chủ động bàn bạc, xây dựng các tiêu chí, phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thu hút xã hội hóa, liên kết, phối hợp tổ chức hoạt động theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả; thực sự đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân./.

Đồng Bằng - Ngô Tươi