TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Nhiều mô hình hiệu quả trong phổ biến, thực hiện hương ước, quy ước

(17:27 | 10/04/2023)

Sau gần 05 năm triển khai Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, nhìn chung công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã dần đi vào nề nếp và có những bước chuyển tương đối căn bản, phát huy bước đầu vai trò tự quản cộng đồng dân cư, qua đó thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư ấp Tân Phú, xã Tân Hiệp B, tỉnh Kiên Giang - Ảnh minh họa

Theo báo cáo số liệu của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay có 77.176 hương ước, quy ước đã được công nhận. Qua báo cáo của các địa phương, nội dung các bản hương ước, quy ước nhìn chung phù hợp với nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, chủ yếu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản cộng đồng, những lĩnh vực pháp luật chưa điều chỉnh hoặc chỉ quy định nguyên tắc nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em. Một số bản hương ước, quy ước có bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với cộng đồng dân cư của các địa phương được xây dựng, thực hiện như ở Hậu Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, Bình Định, Cao Bằng.

Ngay sau khi được công nhận, hương ước, quy ước đã được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức khác nhau như: Niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, photocopy các bản hướng ước, quy ước phát đến từng hộ gia đình (Bình Dương); phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, in trên bảng tin nhà văn hóa thôn (Hậu Giang); qua hội nghị của các ban ngành, đoàn thể; niêm yết tại các ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, làng; đặc biệt là thông qua các cuộc họp thôn, làng để phố biến tới từng hộ gia đình triển khai thực hiện. Các hộ gia đình, cá nhân đồng tình ủng hộ và tự giác, nghiêm túc chấp hành thực hiện các quy định được đề ra trong hương ước, quy ước. Một số địa phương đã lập ban theo dõi thực hiện hương ước, quy ước như tỉnh Hậu Giang, Bình Dương, Kon Tum, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Khi phát hiện ra những vi phạm hương ước, quy ước, đại diện thôn, làng trực tiếp nhắc nhở, đối với những tranh chấp nhỏ tại cộng đồng được giải quyết thông qua các tổ hòa giải. Việc xem xét, đánh giá thực hiện hương ước, quy ước được thực hiện hàng năm trong các cuộc họp thôn, tổ dân phố, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nhiều địa phương có cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phổ biến, thực hiện hương ước, quy ước. Tại Đắk Lắk, các bản hương ước, quy ước sau khi được công nhận đều được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thông qua nhiều hình thức khác nhau như: In ấn, photo, gửi trên hệ thống zalo nhóm các hộ gia đình; thông qua hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, hội nghị của các ban ngành, đoàn thể và niêm yết tại Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện. Tại Quảng Nam, các bản hương ước, quy ước được các thôn, tổ dân phố trên địa bàn phổ biến lại tại hội nghị ngày 18/11 hàng năm để người dân nắm và thực hiện. Đặc biệt, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tại Tây Ninh, việc xây dựng và thực hiện quy ước đã huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các công trình công cộng tại ấp, khu phố như xây dựng nhà văn hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng giúp cho hoạt động đi lại, sản xuất của nhân dân được thuận lợi. Đặc biệt là ở một số nơi đã đẩy mạnh phong trào nhân dân hiến đất để xây dựng các công trình như nhà bia liệt sĩ, nhà văn hóa, sân chơi bãi tập, làm đường giao thông nông thôn, làm trường học. Tại Nghệ An, hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt đều được phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, tổ dân phố như: Photocopy các bản hương ước, quy ước phát đến các hộ gia đình, phổ biến trên các đài phát thanh của địa phương, qua hội nghị của các ban ngành, đoàn thể hoặc trích yếu một số nội dung cơ bản dễ nhớ, dễ hiểu và niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, Ủy ban nhân dân xã.

Tại một số địa phương, bản hương ước, quy ước đã lồng ghép vào các quy định về bảo vệ rừng; thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường “xanh - sạch - sáng”, “xanh - sạch - đẹp”; các quy định thực hiện chính sách dân số, bình đẳng giới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Qua đó, cộng đồng dân cư đã cùng nhau ghi nhớ và thực hiện, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực giúp thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh cũng như nâng cao nhận thức, đời sống tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Một số quy định của Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg còn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Nhiều quy ước còn sao chép quy ước mẫu nên nội dung chưa thể hiện được truyền thống, bản sắc của địa phương, còn dài dòng hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa bàn. Một số địa phương chưa tuân thủ quy định về quy trình xây dựng hương ước, quy ước; việc công nhận có xu hướng chạy theo thành tích để đảm bảo tiêu chí bình xét các danh hiệu, phong trào, thi đua.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Việc ban hành Nghị định nhằm quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Ngọc Thy