TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

05 năm thực hiện quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”

(10:54 | 29/05/2023)

Qua 05 năm thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa” đã có những chuyển biến mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, nâng cao về chất lượng, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng và an ninh tại các địa phương.

Ảnh minh họa

Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đã quy định rõ về khung pháp lý, thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự thuận lợi cho cán bộ cơ sở trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa và hạn chế tối đa tính hình thức. Từ đó, nhiều nội dung của phong trào đã đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, góp phần thiết thực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong thời gian qua, các địa phương đã lấy danh hiệu “Gia đình văn hóa” làm thước đo để bình xét các danh hiệu thi đua khác. Công tác bình xét, công nhận và khen thưởng gia đình văn hóa được Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH cấp tỉnh, huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở theo đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, chính xác. Việc bình xét suy tôn các gia đình văn hóa hàng năm tạo nên khí thế thi đua trong việc xây dựng gia đình văn hóa, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Nhiều gia đình trước đây kinh tế còn khó khăn, mâu thuẫn, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra nhưng qua thực hiện các nội dung trong tiêu chí bình xét đến nay nhiều hộ đã có đời sống kinh tế ổn định, các thành viên trong gia đình thương yêu đùm bọc, giúp nhau cùng tiến bộ. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, cả nước có 20.060.544/23.085.070 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 86,90%; đến năm 2021 có 20.831.488/23.371.165 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 89,13%.

Cùng với việc xây dựng gia đình văn hóa, công tác xây dựng khu dân cư văn hóa được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Chất lượng và kết quả xây dựng khu dân cư văn hóa có sự chuyển biến rõ rệt đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Năm 2018, cả nước có 43.484/106.355 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 40,89%; đến năm 2021 có 75.432/87.126 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 77,43%.

Nhìn chung, sau 05 năm triển khai thực hiện quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, học tập; điển hình về tấm gương đạo đức, lối sống, tinh thần tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong cộng đồng dân cư ..., góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam. Bên cạnh các kết quả đã đạt được thì sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị định, công tác thi đua, khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua về văn hóa tại cơ sở đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như: Các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn cho địa phương do không đủ thời gian cho công tác thẩm tra kết quả và khó triển khai thực hiện thủ tục hành chính “một cửa - một cửa liên thông”. Quy định về kinh phí đảm bảo cho công tác khen thưởng không rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, chưa quy định cụ thể mức tiền thưởng mà quy định do địa phương quyết định căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hoá. Việc bình xét, chấm điểm khu dân cư văn hóa vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ về nội hàm câu chữ gây khó khăn trong việc xác định các trường hợp...

Ảnh minh họa

Ngày 15/6/2022, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua; bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua đối với “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên cơ sở khung tiêu chuẩn do Chính phủ quy định. Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các hoạt động cho công tác xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” và đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hồ sơ Nghị định để hoàn thiện, trình Chính phủ.

Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” không chỉ nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và cải cách thủ tục hành chính.

Quỳnh Như