TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Khởi sắc đời sống văn hóa vùng đồng bào Khmer ở Kiên Giang

(18:58 | 11/07/2023)

Người Khmer ở Kiên Giang có trên 237 ngàn người, chiếm tỷ lệ khoảng 13% dân số. Đồng bào chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, nên điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp những khó khăn. Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (2018 - 2023), đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer được nâng cao đáng kể, góp phần củng cố thêm sự tin tưởng của đồng bào với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó họ có thêm động lực mạnh mẽ để phấn đấu lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần vào mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Sở Văn hóa và Thể thao đã ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh quản lý tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao truyền thống vùng đồng bào Khmer. Phong trào văn hóa - văn nghệ được duy trì và phát triển tốt. Hàng năm tỉnh đều tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng Khmer, gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào Khmer từng bước được xây dựng và hoàn thiện, như nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng và bưu điện văn hóa xã. Toàn tỉnh hiện có 01 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Làn sóng phát thanh truyền hình, dịch vụ internet đã phủ sóng tới 100% các ấp, sóc của người Khmer ở Kiên Giang, tạo điều kiện để đồng bào thuận lợi trong học tập, giải trí, tiếp cận thông tin.

Toàn tỉnh có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Có 24 chùa Khmer có ghe ngo tham gia vào hoạt động thể thao truyền thống. Có 48/48 ấp vùng đồng bào dân tộc có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang và Đài Truyền thanh một số huyện, thành phố duy trì các chương trình tiếng Khmer hàng ngày. Bảo tàng tỉnh, Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh hàng năm đều có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trưng bày triển lãm tại cơ sở. Các thiết chế văn hóa nêu trên đã phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào Khmer.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang triển khai thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh. Trong đó ưu tiên phục hồi một số loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu. Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên kế thừa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer.

Kiên Giang hiện có 8/76 chùa tháp Khmer được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Nhiều ngôi chùa Phật giáo Khmer trong tỉnh được tôn tạo khang trang tiêu biểu như các chùa: Tổng Quản, Cái Bần, Láng Cát, Sóc Xoài, Xẻo Cạn... Hiện nay nhiều chùa Khmer còn lưu giữ được dàn nhạc ngũ âm và các thư tịch cổ viết trên lá thốt nốt. Việc tổ chức việc dạy và học chữ Khmer ở các chùa vẫn được duy trì tốt.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vùng đồng bào Khmer ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm số hộ gia đình Khmer đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ cao. Cảnh quan môi trường được xây dựng sạch, đẹp. Các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương được giữ gìn và phát huy.

Các lễ hội truyền thống dân tộc Khmer được duy trì và mở rộng quy mô tổ chức, là dịp để địa phương quảng bá về tiềm năng kinh tế, du lịch, văn hóa, ẩm thực. Vào dịp lễ tết, ngành Văn hóa và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đều tổ chức thăm hỏi các chùa và hỗ trợ vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer tổ chức ở huyện Gò Quao, mỗi năm thu hút trên 10 ngàn lượt đồng bào tham dự với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trưng bày triển lãm; thi giàn thủy lục; hội chợ thương mại.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa vùng đồng bào Khmer ở Kiên Giang còn hạn chế. Nguồn kính phí đầu tư cho dàn dựng các chương trình nghệ thuật còn thấp, một số cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ văn nghệ còn khó khăn. Một số loại hình di sản văn hóa của người Khmer bị mất dần và không có nghệ nhân truyền dạy và người kế thừa.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, Sở Văn hoá và Thể thao sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Tập trung tuyên truyền về những giá trị văn hoá truyền thống Khmer. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer. Xuất bản ấn phẩm về văn nghệ dân gian Khmer Kiên Giang. Hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao tại cơ sở.

Bài: Bùi Công Ba - Ảnh: Thanh Bình