TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xem với cỡ chữAA

Sáp nhập thiết chế văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng ở cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động

(12:34 | 28/08/2023)

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin, học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Công văn số 799/UBND-KGVX ngày 10/5/2023 về việc hướng dẫn quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Đây là phương án hợp lý nhằm phát huy tính thống nhất trong việc quản lý, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, chức năng hoạt động đa dạng hơn.

Ảnh minh họa

Đến nay toàn tỉnh có 105/144 trung tâm đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng; 68 Đài Truyền thanh xã, 1.247 cụm loa truyền thanh không dây, với hơn 2.494 loa phóng thanh, đảm bảo tầm bao phủ khoảng 70% trên địa bàn; 100% xã, phường, thị trấn thành lập được Trung tâm Học tập cộng đồng, trong đó có 33 trung tâm có trụ sở riêng, các trung tâm còn lại chưa có phòng làm việc ổn định phải mượn hoặc bố trí tạm tại Văn phòng UBND xã, trường học, bưu điện, nhà văn hóa xã. Về trang thiết bị, phương tiện hoạt động của các thiết chế này chưa được trang bị đồng bộ, có nơi trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng một số địa phương không có kinh phí hỗ trợ mua sắm mới hoặc sửa chữa nên không đủ sức để tổ chức các hoạt động. Về tổ chức bộ máy của các trung tâm cấp xã chưa được hình thành, nhân sự làm công tác văn hóa, thể thao, truyền thanh, học tập cộng đồng phần lớn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về kiến thức chuyên ngành và thường xuyên thay đổi; kinh phí hoạt động còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động để thu hút công chúng đến tham gia.

Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Học tập cộng đồng và Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn là nơi tổ chức các hoạt động về học tập văn hóa, nghề nghiệp, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao thông qua hình thức hội thi, hội diễn, sinh hoạt câu lạc bộ sở thích; thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương còn hạn chế, quỹ đất quy hoạch, bố trí xây dựng các thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn; bộ máy tổ chức và chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động tại các đơn vị này chưa được quy định cụ thể, nên gặp không ít khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động. Hiện nay, nguồn kinh phí của các trung tâm hoạt động thường gắn với kinh phí hoạt động của UBND cấp xã, nên phần lớn tùy vào điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho trung tâm hoạt động dẫn đến kinh phí rất thấp, không đồng bộ; cùng với đó việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa đồng bộ, mang tính chấp vá, chưa phù hợp với quy chuẩn dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp.

Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra là trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì làm thế nào để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, truyền thanh và học tập cộng đồng, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đồng thời khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có của địa phương nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên cơ sở hợp nhất 03 đơn vị, gồm: Trung tâm Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Học tập cộng đồng và Đài Truyền thanh xã là phương án hợp lý, mang tính khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sắp xếp tinh gọn nhân sự kiêm nhiệm tại các đơn vị, tiết kiệm được kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí quản lý, có thể bổ sung kinh phí hoạt động cho nhau trong các lĩnh vực có nội dung tương đồng hoặc trùng lắp để nâng cao hiệu quả.

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành sáp nhập và thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Qua quá trình hoạt động thực tiễn cho thấy, mô hình phù hợp, đáp ứng yêu cầu hiện nay, tích hợp được các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt hội họp của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao và học tập của người dân. Nội dung Công văn số 799/UBND-KGVX ngày 10/5/2023 về việc hướng dẫn quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, kèm theo Đề án mẫu thành lập trung tâm, Quy chế tổ chức hoạt động theo phân cấp, thẩm quyền của địa phương. Việc xây dựng và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn sẽ tạo ra địa điểm sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư phát triển.

Ngọc Thy