
Phần hội tại Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ấp Tân Phú, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp - Ảnh: CTV
Về công tác tuyên truyền: Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tựu đạt được sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của địa phương. Những nội dung cơ bản của Chỉ thị 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Chỉ thị, Thông tri và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.
Hình thức: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Trang thông tin điện tử và Bản tin công tác Mặt trận, Fanpage của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên. Tuyên truyền miệng thông qua buổi sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể, các tổ chức thành viên. Thông tin, cổ động pano, áp phích, khẩu hiệu.
Về triển khai thực hiện các hoạt động ở cộng đồng dân cư: Đánh giá thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở khu dân cư, thống nhất mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ năm tới; biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân đóng góp vật chất, tinh thần, ngày công xây dựng cộng đồng dân cư. Thăm hỏi và tặng quà các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ; động viên các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu; chia sẻ giúp đỡ gia đình khó khăn trên địa bàn dân cư. Đánh giá các hoạt động do khu dân cư triển khai như các công trình được hỗ trợ thực hiện, các mô hình tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Trao tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn. Động viên các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trong dịp diễn ra Ngày hội; tích cực tham gia vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp.
Về quy mô tổ chức Ngày hội, tùy theo tình hình thực tế của địa phương có thể tổ chức Ngày hội ở 01 khu dân cư hoặc từ 02 khu dân cư trở lên hoặc trong phạm vi cấp xã và lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp nhưng phải đảm bảo ý nghĩa và mục đích của Ngày hội, có sự tham gia đông đủ của nhân dân ở địa bàn dân cư. Phần lễ không quá 90 phút; phần hội tổ chức trước hoặc sau phần lễ, gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng động (chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong Ngày hội). Tổ chức “Bữa cơm đoàn kết" phù hợp, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Đối với các khu dân cư đô thị nên tổ chức phần hội tại các nơi công cộng theo hình thức sân khấu hóa nhằm tạo không khí sôi nổi và thu hút sự tham gia của bà con ở khu dân cư.
Thời gian tổ chức trong 01 ngày, diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 01/11 đến hết 18/11/2023 (tập trung từ ngày 10 đến 18/11/2023).
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam nhằm ôn lại lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết nhân dân ở khu dân cư tạo thành sức mạnh to lớn góp phần xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh; khơi dậy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên, cổ vũ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, dịch bệnh, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Ghi nhận kết quả của khu dân cư, biểu dương tập thể, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.