TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Gia đình

Xem với cỡ chữAA

Thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030

(09:39 | 16/09/2021)

Kiểm soát, giảm thiểu tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Đó là mục tiêu tổng quát được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề cập tại Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; sự tham gia của mỗi gia đình, cá nhân và cả cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để thực hiện có hiệu quả Chương trình về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các chương trình, chính sách, kế hoạch về trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em

(Ảnh minh họa: CTV)

Theo đó, 3 nhóm mục tiêu cụ thể tại kế hoạch gồm:

- Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030; hàng năm giảm 5% -10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% năm 2030; phấn đấu có 50.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và có 60.000 ngôi nhà an toàn vào năm 2030; có 600 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn năm 2025 và 700 vào năm 2030; có ít nhất 10 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 20 vào năm 2030.

- Đối với mục tiêu truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: Phấn đấu 90% trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030; 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% năm 2030; 60% và 70% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 2030; năm 2025 có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn và năm 2030 là 60%; có 90% trẻ em sử dụng phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.

- 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện, thành phố làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; đối với cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em, phấn đấu có 70% được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; có 70% nhân viên y tế ấp, khu phố, trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 và 100% vào năm 2030; 100% huyện, thành phố triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các huyện, thành phố thí điểm và nhân rộng việc triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.

Để triển khai, thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thí điểm, nhân rộng các mô hình tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật… Xây dựng môi trường an toàn, hướng dẫn thực hiện và nhân rộng tiêu chí Ngôi nhà an toàn, tiêu chuẩn Trường học an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương; nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn đạt cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em… Kịp thời can thiệp, phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử.

Kiện toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khỏe cho trẻ em do tai nạn, thương tích. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng, người dân đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; vận động các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, lồng ghép kế hoạch này với việc xây dựng gia đình, ấp, khu phố, xã văn hóa, xã nông thôn mới… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá thực hiện kế hoạch; lồng ghép cơ sở dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em trong hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em của địa phương./.

Đồng Bằng