
Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp, sự hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nên công tác triển khai, tuyên truyền thi hành Luật PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từng bước được chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực. Từ đó các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thấy được vai trò, vị trí của gia đình, nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân và gia đình trong việc PCBLGĐ, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, giảm dần các vụ bạo lực gia đình trong cộng đồng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ được quan tâm thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống đài truyền thanh; trang Thông tin điện tử, bản tin, tờ tin, Đặc san của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương… xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phản ánh về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, PCBLGĐ, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Thực hiện hàng trăm pa nô, hàng ngàn băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền trên các trục lộ chính, các khu đông dân cư; phát hành xuống cơ sở hơn 200 ngàn sách mỏng, tài liệu, tờ rơi, băng cassette, đĩa CD với các nội dung tuyên truyền về gia đình và PCBLGĐ. Đội tuyên truyền lưu động; đội chiếu bóng lưu động lồng ghép tuyên truyền công tác gia đình và PCBLGĐ bằng hình thức xe hoa, xe loa phóng thanh, chiếu phim lưu động, góp phần lan tỏa rộng rãi những thông điệp về PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc đến cộng đồng.

Mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên phổ biến giáo dục pháp luật các cấp được củng cố, phát huy cả về số lượng và chất lượng, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có Luật PCBLGĐ. Các sở, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về công tác PCBLGĐ thông qua các cuộc họp, hội nghị, trợ giúp pháp lý, hội thảo, họp mặt, tọa đàm, diễn đàn, sinh hoạt tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ về gia đình. Từ năm 2009 đến nay, riêng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 162 lớp, hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực gia đình, PCBLGĐ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép hơn 02 ngàn lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Gắn nội dung tuyên truyền về PCBLGĐ vào các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) để Nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình và tích cực xây dựng gia đình mình trở thành một “tế bào mạnh khỏe” của xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức 24 cuộc hội thi từ cấp tỉnh đến huyện, thành phố như: Hội thi tìm hiểu kiến thức PCBLGĐ, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Hội thi Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tỉnh lần thứ I, thứ II, thứ III; Hội thi tìm hiểu kiến thức về “Xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững”; Hội thi tìm hiểu kiến thức về “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”…, thu hút hàng chục ngàn lượt thí sinh tham dự. Việc tổ chức các hội thi có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức tuyên truyền khác bởi không chỉ gói gọn ý nghĩa là một cuộc thi mà đã thực sự trở thành sân chơi bổ ích để mọi người nói lên tiếng nói của mình về gia đình và PCBLGĐ dưới nhiều hình thức sinh động. Những nội dung tưởng chừng như khô cứng ấy, những minh họa, dẫn chứng cụ thể được chuyển tải một cách mềm mại và sinh động trong từng câu chuyện, giúp cho người dân dễ hiểu về các tình huống mâu thuẫn có thể xảy ra trong gia đình, những tác hại của bạo lực gia đình gây ra và hướng giải quyết thuyết phục giảm bớt bạo lực gia đình.
Có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ được triển khai trên diện rộng và được lồng ghép vào các phong trào của từng ngành, đoàn thể; đồng thời đưa vào Quy chế quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCBLGĐ từng lúc, từng nơi chưa đi vào chiều sâu, chưa đủ mạnh; các tài liệu truyền thông cũng chưa được thiết kế dễ hiểu, thân thiện với người dân. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thường xuyên đến việc chỉ đạo thực hiện; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp từng lúc thiếu chặt chẽ nên công tác tuyền thông và giáo dục về bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phát triển trong tình hình mới. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức để Luật PCBLGĐ đi sâu vào cuộc sống.