
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng “Việc nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân, xây dựng con người văn hóa bắt đầu từ mỗi gia đình và trong cộng đồng dân cư”. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Văn hóa gia đình được thể hiện trong sự ứng xử giữa các mối quan hệ phụ thuộc, ràng buộc trong gia đình và từng thành viên của gia đình với xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển, giao lưu và hội nhập, những mặt trái ảnh hưởng tiêu cực đã làm cho một số giá trị văn hóa gia đình, nền nếp, lối sống truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đang dần mai một như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, tương thân, tương ái, bao dung độ lượng. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức mới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nhiều gia đình áp lực mưu sinh, xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho các thành viên trẻ, chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của gia đình đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, nhất là văn hóa ứng xử trong gia đình, các cấp, các ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình cụ thể thiết thực, ý nghĩa lồng ghép vào các phong trào thi đua của từng ngành, đoàn thể, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các kế hoạch, đề án, chương trình về công tác gia đình. Qua đó, nâng cao nhận thức và hành động thiết thực trong việc giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Cũng từ đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, gia đình văn hóa tiêu biểu và mỗi gia đình như những đóa hoa lung linh khoe sắc, tỏa hương tô điểm cho đời, để những chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được hình thành, giữ gìn, vun đắp, lưu truyền và phát huy trong mỗi gia đình.

Năm 2020 - 2021, Kiên Giang tuy không phải là địa phương nằm trong danh sách 12 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm thí điểm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhưng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí, có 23 xã thuộc 08 huyện, thành phố triển khai thực hiện thí điểm. Việc cụ thể hóa các tiêu chí với từng mối quan hệ là cách để nhắc nhở giúp cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn nghĩa vụ của mình về việc giữ gìn lối sống tốt đẹp, nhân văn, nuôi dưỡng sự tử tế trong mỗi hành vi dù nhỏ với những người thân yêu trong gia đình. Đây là cách làm hiệu quả có tính chất bền vững, lâu dài để ổn định hạnh phúc gia đình cũng như góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.
Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình được duy trì và phát huy hài hòa trong đời sống hiện đại sẽ tạo nên những gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, từ đó tạo nền móng để xây dựng xã hội giàu đẹp văn minh. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, ngày 28/01/2022, Bộ VHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam thay thế thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ban hành năm 2017.
Bộ tiêu chí được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam, với mục đích xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam. Đồng thời, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Hy vọng rằng, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ là cơ sở để mỗi cá nhân điều chỉnh hành vi của mình, ứng xử chuẩn mực trong gia đình nhằm tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp.