Bộ nhận diện truyền thông của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động) là hình ảnh nhìn thoáng là một trái tim; ngắm kỹ là một con người được ghép từ hai hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một; hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thương, gắn kết khăng khít, gần gũi. Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng - là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay chiến dịch đã được thực hiện tại hơn 57 quốc gia trên thế giới. Màu cam đã được Liên Hợp Quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời màu cam còn thể hiện khát vọng về tương lai tươi sáng, bình đẳng, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức tại huyện Gò Quao năm 2022- Ảnh: Ngô Tươi
Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Mới đây, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hơn 100 người có tầm ảnh hưởng (ca sỹ, diễn viên, nhà văn, MC…) đã tham gia vào chương trình truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bạo lực giới nhằm kêu gọi sự chung tay, đồng hành chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Chương trình với tên gọi “The Orange Team” nằm trong chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ do UN Women - Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam tổ chức, hướng đến Tháng hành động quốc gia. Theo nhà văn Trang Hạ, Dự án của Team Cam đã kết nối được đa thế hệ trên các kênh truyền thông hiện nay, góp phần lan tỏa thông điệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền của những người yếu thế trong xã hội hiện nay.
Tại Kiên Giang, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông vận động xã hội; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới, công tác trẻ em… Đã tổ chức 2 lớp tập huấn truyền thông về bình đẳng giới tại 2 xã; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ cho gần 550 đại biểu tham dự. Phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tổ chức 4 cuộc tuyên truyền tại 4 xã, phường trong tỉnh, phổ biến những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; 9 cuộc tuyên truyền các chuyên đề: phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng; can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em cần phải bảo vệ khẩn cấp; 3 lớp tập huấn công tác bảo vệ trẻ em. Đã có hơn 1.650 cán bộ, công chức, đại biểu, nhân dân tham dự. Phát hành rộng rãi đến cơ sở 21.000 tờ rơi tuyên truyền Tổng đài 111, tờ rơi truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện 250 băng rôn tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em…
Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp các ngành liên quan tiếp nhận 2 nạn nhân bị mua bán trở về, bàn giao cho gia đình, địa phương quản lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Triển khai các hoạt động, mô hình thiết thực về công tác trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội. Hỗ trợ kinh phí các địa phương trong tỉnh xây dựng các mô hình như: 2 mô hình dịch vụ tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới; 2 mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 10 mô hình Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; 2 mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em; 2 mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 3 mô hình phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 15 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em…
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 được tập trung triển khai thực hiện với rất nhiều hoạt động nhân văn, ý nghĩa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung; trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự chung tay đồng hành xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em./.