TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Gia đình

Xem với cỡ chữAA

Tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình

(17:00 | 10/02/2023)

Phấn đấu năm 2023 có ít nhất 33.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; 130.000 trở lên hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Ảnh minh họa

Đó là hai trong những chỉ tiêu phấn đấu của Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh tại Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2023. Để thực hiện tốt chủ đề trọng tâm trong năm 2023 của Đề án: Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm cả nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh); Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh đề ra 06 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ. Xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách; giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc vận động nguồn lực để triển khai các hoạt động của Đề án.

Nhờ bám sát nội dung kế hoạch, kịp thời cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nội dung hoạt động của Đề án tại địa phương, năm 2022, Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền trực tiếp, sinh hoạt hội, câu lạc bộ, tổ, nhóm được hơn 17 cuộc, có hơn 364.000 cán bộ, đoàn viên, hội viên, phụ nữ tham dự; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Tổ chức hội nghị biểu dương 19 điển hình tiêu biểu tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong quá trình thực hiện Đề án, phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ gắn với tuyên truyền cách làm hay, sáng tạo trong tham gia giải quyết các vấn đề thân thiết của phụ nữ. Huyện Kiên Lương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Nhằm triển khai hiệu quả Đề án, các cấp Hội chú trọng xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ vấn đề về giáo dục đời sống gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, giao tiếp ứng xử, kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy, giáo dục, bảo vệ con và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Đến nay duy trì hoạt động 791 mô hình, với hơn 16.000 thành viên về vận động, hỗ trợ, giáo dục cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; không có con mắc tệ nạn xã hội; gia đình phát triển bền vững...

Tổ chức đối thoại chính sách về các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trong đó có nhiều câu hỏi tập trung về giải pháp bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Tổ chức 17 cuộc truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Trong năm, có hơn 40.345 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong việc can thiệp, trợ giúp phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị bạo lực, góp phần thực hiện đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa lẫn kiến thức bổ ích về phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Quỳnh Như