
Ảnh minh họa
Xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác các số liệu về gia đình và PCBLGĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp cho việc xử lý thông tin hiệu quả vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công việc. Ngược lại nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả, dẫn đến xử lý công việc thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng yêu cầu. Ngày 29/12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ. Sau 05 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã triển khai kịp thời theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ.
Ngay sau khi Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL được ban hành, UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ trên địa bàn theo quy định tại Thông tư; đưa nội dung thu thập, thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu, thông tin về gia đình và PCBLGĐ theo Thông tư vào kế hoạch công tác gia đình hàng năm. Các tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác gia đình, trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL cũng như kỹ năng thu thập, báo cáo, ghi chép tổng hợp số liệu về gia đình và PCBLGĐ. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tốt trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình; thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể khác thường xuyên phối hợp theo dõi, phổ biến, tổng hợp, xử lý số liệu liên quan đến công tác gia đình và PCBLGĐ đầy đủ, đúng tiến độ. Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng hợp số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 35.405 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2018 là 10.366 vụ, giảm xuống còn 4.065 vụ trong năm 2022.
Những kết quả của công tác gia đình và PCBLGĐ góp phần nâng cao đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tình làng nghĩa xóm”; góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tâm lý xem bạo lực gia đình là “chuyện nội bộ” “chuyện trong mỗi gia đình” giảm dần, có xu hướng thay đổi tích cực, vì vậy, những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc bạo lực gia đình ngày càng kịp thời hơn, giúp chính quyền, công an xử lý có kết quả và tăng hiệu quả tác động giáo dục phòng ngừa chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu thập và báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ còn nhiều khó khăn. Công tác nhận diện, phát hiện, thu thập báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ chưa khách quan, chính xác, kịp thời; nạn nhân còn e ngại không mạnh dạn trình báo cơ quan chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý hành vi sai trái đối với người gây ra bạo lực gia đình. Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra, nhưng vẫn còn tình trạng giấu không khai báo với chính quyền địa phương do tâm lý e ngại, sợ xấu hổ với bạn bè, hàng xóm, do đó nhiều vụ bạo lực gia đình chưa thống kê đầy đủ. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên, chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hóa gia đình, còn lúng túng, chưa nắm rõ các quy định của Luật PCBLGĐ, dẫn đến hiệu quả thu thập, báo cáo thông tin chưa kịp thời chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đối với các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa bố trí kinh phí để thực hiện việc thu thập thông tin về gia đình và PCBLGĐ theo như quy định tại Thông tư. Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL còn có nội dung khó thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, phân tích nguyên nhân của những mặt đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi Thông tư trong giai đoạn mới. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và trình Chính phủ Nghị định cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ. Tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa các biểu mẫu thu thập số liệu về gia đình và PCBLGĐ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn quốc để phục vụ công tác thống kê, theo dõi về công tác gia đình và PCBLGĐ từ trung ương đến cơ sở, thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, quản lý, lưu trữ các thông tin về gia đình và PCBLGĐ.