
Ảnh minh họa
Mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong PCBLGĐ để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Phấn đấu đến năm 2025, đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về PCBLGĐ do UBND cấp xã, phường tổ chức tại ấp, khu phố; Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang có ít nhất 01 chuyên mục về PCBLGĐ được phát sóng định kỳ hàng tháng và 80% Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện có chuyên mục về PCBLGĐ được phát sóng định kỳ; đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng để ứng phó khi bị bạo lực gia đình; phấn đấu đạt trên 95% những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đạt trên 80% những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực; đạt 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình PCBLGĐ; đạt 90% người trực tiếp tham gia PCBLGĐ các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về PCBLGĐ.
Để đạt được các mục tiêu từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh đề ra các giải pháp như sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác PCBLGĐ; thực hiện các chỉ tiêu về gia đình phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội tại địa phương. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện PCBLGĐ. Triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về PCBLGĐ phù hợp, thiết thực gắn với thực hiện các mục tiêu năm 2025 và theo từng năm. Phát triển các mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, PCBLGĐ; các mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; các dịch vụ công về văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên gia đình. Kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và trang bị kỹ năng thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, công chức thực hiện PCBLGĐ các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PCBLGĐ, thu thập thông tin về bạo lực gia đình. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCBLGĐ. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng bạo lực trong phạm vi quản lý.
Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình; tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm. Triển khai và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại cộng đồng.
Thông tin, giáo dục, truyền thông PCBLGĐ. Hàng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) với các hình thức đa đạng, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, khu vực, đặc biệt là vùng nông thôn, biên giới.
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng có nguy cơ phù hợp với mỗi cộng đồng dân cư. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên, hệ thống thông tin đại chúng, hoạt động của các thiết chế ngành văn hóa và thể thao; tổ chức các hội thi, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi, đặt hàng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về gia đình và PCBLGĐ; các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về PCBLGĐ để tạo ra sản phẩm truyền thông phong phú, đa dạng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền về gia đình, kiến thức PCBLGĐ vào hệ thống các trường học phù hợp với các cấp học, bậc học; phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ các cấp, các ngành. Tăng cường nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về PCBLGĐ.