TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Gia đình

Xem với cỡ chữAA

Một số giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

(13:33 | 04/08/2023)

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra; tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước; một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trong tình hình mới, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về gia đình từ nay đến năm 2030 đã được UBND tỉnh ban hành, nhất là thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chương trình PCBLGĐ đến năm 2025 phù hợp, thiết thực gắn đặc điểm tình hình xã hội của từng huyện, thành phố.

Nguyên tắc PCBLGĐ trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục. Vì vậy, hoạt động thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, then chốt và phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng có nguy cơ phù hợp với mỗi cộng đồng dân cư. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên, các thiết chế văn hóa, tổ chức các hội thi, sinh hoạt chuyên đề, đặt hàng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về gia đình và PCBLGĐ. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông, nhất là sử dụng zalo, facebook để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận. Quan tâm tuyên truyền hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCBLGĐ, kiến thức về bình đẳng giới… là công tác “mưa dầm thấm lâu” để thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCBLGĐ để có những hiểu biết đúng đắn về hành vi bạo lực gia đình và cách phòng ngừa, ngăn chặn.

Luật PCBLGĐ năm 2022 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCBLGĐ năm 2007, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người có vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Vì vậy, cần sớm đưa Luật đi vào cuộc sống nhằm thúc đẩy công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi bạo lực gia đình; tạo được sự đồng thuận xã hội trong PCBLGĐ, từ đó ngăn ngừa sớm được những nguy cơ bạo lực gia đình, hạn chế các vụ bạo lực gia đình.

Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ vì công tác gia đình và PCBLGĐ là lĩnh vực rất rộng, hầu hết các vấn đề xã hội đều liên quan đến công tác này. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; cùng với sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện PCBLGĐ. Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác này, nhất là kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước xứng tầm với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình; tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm. Triển khai và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại cộng đồng

Chú trọng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Bởi đây là truyền thống văn hóa của dân tộc, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong đời sống gia đình. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình, để gia đình văn hóa thực sự là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, là pháo đài vững chắc trong phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Tổ chức triển khai rộng khắp “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để đạt được hiệu quả trong công tác PCBLGĐ thì rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các cơ quan có liên quan và cộng đồng xã hội, mỗi gia đình hãy để tình yêu sưởi ấm đến tất cả các thành viên trong gia đình, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, đẩy lùi bạo lực gia đình.

Ngọc Thy