
Xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cũng như Luật PCBLGĐ; hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Gò Quao đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp tổ, nhóm, câu lạc bộ, các chi hội đoàn thể và tổ Nhân dân tự quản; hoạt động của đội tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, áp phích. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh xây dựng chuyên mục văn hóa - xã hội hàng tháng, lồng ghép tuyên truyền về Luật PCBLGĐ. Tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao cho nhiều đối tượng khác nhau. Những năm qua, huyện duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, họp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về PCBLGĐ. Năm 2023, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên được quan tâm. Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ huyện, xã, ấp, khu phố, mỗi năm có trên 150 lượt người tham gia nhằm thực hiện tốt công tác PCBLGĐ ngay tại cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng, có khả năng triển khai, tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với phương châm phòng hơn chống, những năm qua, việc xây dựng mô hình PCBLGĐ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Quao được triển khai, nhân rộng mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình. Toàn huyện hiện có 21 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 11 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 45 đường dây nóng. Các mô hình PCBLGĐ đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình; thực hiện tốt Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới, các kỹ năng ứng xử trong gia đình; phát hiện, can thiệp, tư vấn, hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, bất hòa, tranh chấp khi xảy ra bạo lực trong gia đình, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Qua đó, nhận thức của nhân dân về trách nhiệm xây dựng, củng cố gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc có nhiều chuyển biến tích cực.

Nội dung công tác gia đình và PCBLGĐ được lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới và được xem là một trong những nội dung, tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu văn hóa. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tích cực phối hợp tổ chức triển khai, lồng ghép vào các hoạt động, nhiệm vụ theo kế hoạch của từng ngành, điển hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức chăm lo đời sống, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình gắn với phong trào thi đua, chương trình, đề án như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp và an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; Hội Nông dân với phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”... Qua các phong trào đã nâng cao nhận thức của các cá nhân, gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, phát huy tình làng nghĩa xóm; tích cực tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội; công tác PCBLGĐ ngày càng được quan tâm hơn. Toàn huyện hiện có trên 96% gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là: Trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp từng lúc thiếu quyết liệt, sự phối hợp của các thành viên thiếu chặt chẽ, còn giao khoán cho ngành chuyên môn. Kinh phí cho hoạt động công tác gia đình và PCBLGĐ còn hạn chế, nhất là kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy cộng đồng. Tư tưởng lựa chọn giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại, tệ nạn xã hội phát sinh diễn ra ngày càng phức tạp, sự phát triển của công nghệ thông tin có tác động đến tình hình thực thi pháp luật về PCBLGĐ.
Để công tác PCBLGĐ tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, huyện Gò Quao tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện Luật PCBLGĐ; tăng cường công tác phối hợp bằng các chương trình, kế hoạch. Đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền để tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và người dân trong việc xóa bỏ bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác gia đình và PCBLGĐ cho cán bộ từ huyện đến cơ sở. Xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu.