TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Gia đình

Xem với cỡ chữAA

Đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

(12:37 | 28/08/2023)

Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xoá bỏ bạo lực gia đình.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành chú trọng, tổ chức thực hiện và đem lại những hiệu quả nhất định. Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 30/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với các chủ đề do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) định hướng: Xây dựng nhân cách con người Việt Nam ngay từ giáo dục gia đình, xây dựng gia đình là vấn đề lớn hệ trọng của cả dân tộc và của cả thời đại, yêu thương và chia sẻ, bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ VHTTDL tổ chức 03 cuộc chiến dịch truyền thông trực tiếp; tổ chức các cuộc thi sáng tác logo, tiểu phẩm, viết về gương người tốt việc tốt, triển lãm về gia đình và PCBLGĐ.

Thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó có nội dung PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam và các báo: Gia đình và Xã hội, Văn hoá, Pháp luật Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, tạp chí Gia đình và Trẻ em xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, lượng phát hành lớn, theo kênh của các báo đến trực tiếp bạn đọc là các gia đình, cán bộ thực hiện lĩnh vực gia đình và đông đảo đối tượng khác nhau. Năm 2017, Bộ VHTTDL xây dựng Trang thông tin điện tử về gia đình và PCBLGĐ nhằm tăng cường và chủ động hơn trong công tác tuyên truyền về PCBLGĐ.

Các địa phương trong cả nước đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức như: cổ động trực quan; các bản tin và bài viết, câu chuyện truyền thanh trên hệ thống truyền thanh; tổ chức các hội thi, liên hoan, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề; các đội tuyên truyền lưu động xây dựng các chương trình văn nghệ, tiểu phẩm, tấu hài về xây dựng gia đình văn hoá, PCBLGĐ; nhân bản, biên soạn, phát hành các tài liệu nhằm chuyển tải thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ đến đông đảo người dân. Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương tiếp tục kiện toàn, củng cố, phát triển mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; đến nay có 75% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc đã triển khai mô hình này, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các phong trào của từng ngành, đoàn thể gắn với tiêu chí xây dựng văn hoá gia đình. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào phổ biến kiến thức về pháp luật, chính sách về hôn nhân gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình thông qua các buổi sinh hoạt ấp, khu phố, các mô hình câu lạc bộ, tổ nhân dân tự quản, các diễn đàn của tuổi trẻ, các cuộc họp của các tổ chức chính trị, xã hội, với hàng trăm ngìn lượt người dự.

Thông qua việc phối hợp với các ngành, đơn vị, tổ chức các hoạt động công tác gia đình, công tác tuyên truyền về PCBLGĐ đã giúp lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân ngày càng xác định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, nhận thức được tổ ấm hạnh phúc gia đình là pháo đài phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và là nơi thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch, từ đó từng gia đình thực hiện tốt chức năng gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và phát triển bền vững.

Tuy niên, công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ do thiếu sự kết hợp chặt chẽ, việc tổ chức chủ yếu theo các chiến dịch truyền thông nhân các sự kiện, chưa thường xuyên, liên tục, chưa đảm bảo về chiều sâu. Mặt khác, nhiều thông tin về bạo lực gia đình được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu là đưa tin về vụ việc bạo lực gia đình, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức nhận diện các hành vi bạo lực gia đình cũng như các kỹ năng phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình. Nguyên dân do Luật PCBLGĐ năm 2007 chỉ quy định mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ (tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11) và chưa có quy định về nguyên tắc của công tác này; thiếu các chính sách đa dạng hoá nội dung, loại hình thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ.

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định, góp phần phát huy hiệu quả hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận xã hội trong PCBLGĐ, từ đó ngăn ngừa sớm được những nguy cơ bạo lực gia đình, hạn chế các vụ bạo lực gia đình; Luật PCBLGĐ năm 2022 sửa đổi, bổ sung làm rõ nội dung, đối tượng, loại hình thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ (tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15). Trong đó tại Điều 13 làm rõ mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục, phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng chăm sóc; chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới. Điều 15 quy định hình thức tuyên truyền về PCBLGĐ có thêm các hình thức sau: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngọc Thy