TIN NỔI BẬT:

Skip Navigation LinksChiTiet

Gia đình

Xem với cỡ chữAA

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

(16:51 | 11/09/2023)

Qua 03 năm thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 -2025; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Ảnh minh họa

Để cụ thể hóa việc hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, ngày 17/4/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND; trong đó xác định rõ mục đích yêu cầu, đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu phấn đấu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Sau 03 năm thực hiện, các giải pháp hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (PCBLXHTE) được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực và đạt được những kết quả tích cực.

Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và PCBLXHTE cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Bên cạnh hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử; toàn tỉnh tổ chức hơn 6.200 cuộc hội nghị triển khai, tập huấn, hội thi, diễn đàn trẻ em, tuyên truyền sinh hoạt đội, sinh hoạt dưới cờ, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em về PCBLXHTE, tư vấn có hơn 333.000 lượt người lớn và trẻ em, học sinh tham dự; cấp phát hơn 600.000 sách luật, sách mỏng, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp các nội dung liên quan về PCBLXHTE. Nội dung truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng, đã tác động tích cực đến gia đình, nhà trường và xã hội về PCBLXHTE, tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức, nhà trường, gia đình và trẻ em, xây dựng các mối quan hệ trong gia đình, giảm bạo lực gia đình đối với trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ, lên án và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Các hoạt động trang bị kỹ năng sống đã giúp trẻ em nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Ảnh minh họa

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ cho học sinh; thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Các đơn vị, cơ sở y tế đã phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai công tác PCBLXHTE như xây dựng, triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận khám, chữa bệnh và tăng cường năng lực của nhân viên y tế về PCBLXHTE; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, chất lượng cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền trẻ em, PCBLXHTE, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Duy trì, nhân rộng đến nay có 10 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh TNTT trẻ em”; 03 mô hình “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”; 03 mô hình “Phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực”; 05 mô hình “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng”; 02 mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em”. Thực hiện tốt các chính sách dành cho trẻ em, các hoạt động chăm lo, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đặc biệt là tổ chức Đêm hội trăng rằm. Toàn tỉnh có hơn 550.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trao học bổng, tặng quà, tiền mặt với tổng trị giá trên 57 tỷ đồng. Tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là phòng, chống tai nạn đuối nước, PCXHTE.

Các thiết chế văn hóa - thể thao, cơ sở vật chất được tăng cường, từng bước có sự đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động, khai thác có hiệu quả, tạo ra phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của trẻ em. Hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học được duy trì góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, tạo môi trường rèn luyện tốt cho các em, phát huy tính chủ động tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục diễn biếp phức tạp, tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do sự phát triển công nghệ số, các trang mạng xã hội đăng tải nhiều nội dung, phim ảnh không lành mạnh; một bộ phận trẻ em là con em của công nhân ở các khu công nghiệp, trẻ em vùng sâu, vùng xa, thiếu sự quản lý, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ cũng là điều kiện thuận lợi cho các tội phạm xâm hại trẻ em. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí hoạt động công tác trẻ em và công tác PCBLXHTE. Cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, phường thường xuyên thay đổi làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trẻ em...

Để thực hiện hiệu quả công tác PCBLXHTE đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 17/4/2020, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp như: Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, PCBLXHTE; hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục; thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác PCBLXHTE. Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em; trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, tránh bạo lực, xâm hại cho trẻ em. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em, chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Duy trì, nhân rộng các mô hình phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp.

Quỳnh Như