
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 28/8 đã trở thành ngày truyền thống của những người làm công tác văn hoá thông tin. 78 năm qua, sự nghiệp văn hoá luôn được sự dìu dắt, lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa dũng cảm, kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Nhiều thập kỷ trôi qua, những người làm văn hóa luôn thấm đẫm lời dạy ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ở từng giai đoạn khác nhau, những người làm văn hóa Việt Nam đã hoàn thành một cách trọn vẹn, đẹp đẽ nhất lời dạy của Người: Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mọi nẻo đường, “mặt trận”.

Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, ngành Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đã vượt qua những khó khăn, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; Hội thảo Văn hóa về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”; xây dựng “Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045”. Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn cho ngành Văn hóa phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đã đề ra.
Với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo toàn Ngành tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tư duy về làm văn hóa sang quản lý văn hóa đang từng bước có những kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy ngành Văn hóa phát triển theo hướng bền vững. Văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo thông qua việc phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa như bình xét các danh hiệu văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều thành tựu tích cực. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có sự đổi mới trong phương thức tổ chức, triển khai thực hiện. Nhiều tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn có giá trị cao, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội. Các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng, qua đó tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các chương trình, liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách của hệ thống thư viện đã có nhiều đổi mới, kết hợp phương thức trực tiếp và trực tuyến tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, mang những tác phẩm có giá trị đến với người dân khắp vùng miền.

Cùng với cả nước, trong những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh Kiên Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sự nghiệp văn hóa không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh hơn về thiết chế, về tổ chức, về trình độ quản lý, về hoạt động nghiệp vụ và đạt được thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, gắn kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động sự kiện, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các lễ hội văn hóa tiêu biểu kết hợp với phát triển du lịch. Xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở; tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, tạo cơ sở cho việc phục vụ hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Phát huy truyền thống lịch sử 78 năm vẻ vang, với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành Văn hóa tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra trong lĩnh vực văn hóa, bằng các kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy văn hóa phát triển theo hướng bền vững, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.