Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử
(16:12 | 02/02/2021)

Xác định thực hiện chuyển đổi số tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng thành công chính quyền điện tử (CQĐT), tỉnh ta đề ra kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trong chuyển đổi số.

Đến nay, toàn tỉnh đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh có mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng. Hầu hết cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc. Tỉnh duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông... đạt kết quả nhất định, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình xử lý, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử.

Tháng 10-2020, Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành thông tin tỉnh đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điều hành, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân.

Hiện tỉnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo cơ sở nền tảng cho chuyển đổi số, phấn đấu nằm trong nhóm khá về chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2025, thực hiện hoàn thành nhiều chỉ tiêu. Cụ thể, 80% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 được cung cấp đa kênh, đa phương tiện truy cập, đặc biệt là thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống CQĐT, dịch vụ đô thị thông minh; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng, triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành; 50% người dùng điện thoại thông minh được tiếp cận các dịch vụ CQĐT, dịch vụ đô thị thông minh, tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 90% doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận, tham gia các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng...

Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số; triển khai thành công đô thị thông minh tại các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, làm cơ sở để nhân rộng mô hình đến 100% các huyện trên địa bàn tỉnh. Dùng CNTT và truyền thông, công nghệ số làm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, tỉnh xây dựng nhiều nhóm giải pháp gồm: Tạo cơ sở nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Trong đó, chú trọng xây dựng CQĐT trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hoàn thiện kiến trúc CQĐT hướng đến chính quyền số, trong đó chú trọng nền tảng quan trọng như nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng định danh điện tử, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Theo kế hoạch thực hiện chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định có 8 ngành, lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Đây là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân gồm: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp. Qua đó cung cấp trải nghiệm mới hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội./.

Cẩm Tú

Nguồn: kiengiang.gov.vn