Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Mo So - Ảnh minh họa
Kế hoạch đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích và di sản VHPVT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý di tích; triển khai thực hiện công tác kiểm kê, quy hoạch, đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, gắn với bảo vệ môi trường; điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản VHPVT; đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực xã hội thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và di sản VHPVT.
Trong từng nhiệm vụ, giải pháp, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan ban ngành và UBND các huyện, thành phố. Giao Sở VHTT chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hoá thông qua nhiều hình thức truyền thông phù hợp như: báo, đài, trang thông tin điện tử, ấn phẩm văn hóa, biên soạn tài liệu, tổ chức các hội thi, các lớp đào tạo, tập huấn về di sản văn hóa… Xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm tham quan du lịch là di tích tuyên truyền đến khách du lịch. Sưu tầm, cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu các di tích và di sản VHPVT ở cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương các cấp về tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của di tích và di sản VHPVT. Tham mưu ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, để tăng cường và quản lý chặt chẽ, hiệu quả công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích và di sản VHPVT trong thời gian tới. Tham mưu xây dựng chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản VHPVT. Xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gắn với ứng phó biến biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực di tích.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xếp hạng được 56 di tích, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa ngày càng phát triển, các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã có từ 20 đến 30 năm trước, hiện nay không còn phù hợp, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch đô thị cũng như đời sống của nhân dân nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện bảo vệ nguyên trạng và điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc ranh giới di tích; tu bổ, tôn tạo 10 di tích đã xuống cấp nghiêm trọng và 05 di tích để phát huy giá trị, khai thác, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tiếp tục kiểm kê di sản VHPVT và tổ chức lập đề án mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội, hồ sơ khoa học: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; đề án “Khảo sát, nghiên cứu giá trị các di chỉ khảo cổ để đề xuất xây dựng hệ thống điểm đến du lịch di sản khảo cổ của tỉnh”; xây dựng và hoàn thành việc lập 03 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh mục di sản VHPVT thế giới… Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở VHTT và các sở, ban ngành liên quan biên soạn sách “Tinh hoa nghề truyền thống Kiên Giang” để tuyên truyền quảng bá các nghề và làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu ở tỉnh Kiên Giang.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích và di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Du lịch phối hợp với Sở VHTT, UBND các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị của các di tích và di sản VHPVT đến các đơn vị kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, cộng đồng dân cư (tại khu vực di tích, di sản và lân cận) và khách du lịch. Chủ động nghiên cứu, đề xuất việc khai thác tài nguyên văn hóa từ các di tích và di sản VHPVT để xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở VHTT thực hiện tốt chương trình, kế hoạch “Học tập suốt đời ở thư viện, bảo tàng”; tổ chức đưa học sinh đến tham quan, nghiên cứu và học tập ở bảo tàng; xây dựng các chương trình giáo dục cho đối tượng học sinh phổ thông để lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh các cấp kiến thức về các di tích và di sản VHPVT để tạo nguồn nhân lực lâu dài tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích và di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở VHTT tổ chức các cuộc thi ảnh nghệ thuật về di sản VHPVT; tổ chức các cuộc thi sáng tác bài bản đờn ca tài tử Nam bộ, bài ca vọng cổ… nội dung phản ánh về văn hóa - lịch sử, về cuộc sống, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về đạo đức, lối sống của người dân Việt Nam...