Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới
(22:07 | 06/08/2022)

Theo kế hoạch đến cuối năm 2022, tỉnh Kiên Giang phấn đấu có 03 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, 01 xã NTM kiểu mẫu, 02 huyện đạt chuẩn NTM. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình để về đích đúng kế hoạch đề ra.

Ảnh minh họa - Ảnh: Hồng Quân

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các Sở, ngành tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của các huyện An Biên, An Minh, Gò Quao, Kiên Hải, Kiên Lương và Giồng Riềng nhằm trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, thách thức và đẩy nhanh tiến độ để về đích NTM đúng lộ trình và thời hạn. Thực tế rà soát số liệu đến tháng 5/2022 cho thấy, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã Đông Yên (An Biên) đạt 14/19 tiêu chí; xã Đông Thạnh (An Minh) đạt 13/19 tiêu chí; xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) đạt 17/19 tiêu chí; xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) đạt 10/19 tiêu chí; xã Hòn Nghệ (Kiên Lương) đạt 15/19 tiêu chí; xã Hòn Tre (Kiên Hải) đạt 11/19 tiêu chí. Trong số các tiêu chí chưa đạt, chủ yếu về giao thông, quy hoạch, y tế, giáo dục, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Về kết quả thực hiện Bộ tiêu chí huyện NTM, huyện An Biên và Kiên Lương được tỉnh chọn xây dựng đạt chuẩn huyện NTM năm 2022, đến nay, huyện An Biên đạt 4/9 tiêu chí và Kiên Lương đạt 4/9 tiêu chí, 100% xã đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch năm 2023, huyện An Minh và Kiên Hải được tỉnh chọn xây dựng đạt chuẩn huyện NTM, đến nay huyện An Minh đạt 5/9 tiêu chí và huyện Kiên Hải đạt 3/9 tiêu chí.

Qua kết quả làm việc với các địa phương, Đoàn công tác liên ngành định hướng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp cho địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, đó là: Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung của các xã và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch vùng huyện đảm bảo phù hợp bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tranh thủ nguồn lực đầu tư giao thông nông thôn, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện đạt chuẩn. Rà soát số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định, lồng ghép thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với mã vùng trồng, vùng nuôi, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất nhất là các Hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai Chương trình OCOP gắn với lợi thế địa phương.

Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏa toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Rà soát lại danh sách các hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung, đánh giá tình trạng hoạt động của các công trình trên địa bàn xã, huyện để có cơ sở đề xuất bố trí vốn triển khai nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư mới các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã, huyện. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, khu dân cư. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; đồng thời phải sẵn sàng các phương án để đối phó kịp thời và hiệu quả khi xảy ra tình huống phức tạp, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự vệ, tự hòa giải.

Quỳnh Như